Năm 2015 sẽ có 6 thương vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng

Thứ Hai, 26/01/2015, 08:30
Đây là công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về công tác tái cơ cấu ngành NH trong năm 2015. Đáng chú ý, năm nay sẽ có sự tham gia của 3 “ông lớn” NH quốc doanh trong các thương vụ sáp nhập.

Đến thời điểm này, khi hàng loạt các nhà băng công bố lợi nhuận năm 2014, bức tranh lợi nhuận của các NH được ghi nhận tương đối khả quan. Dẫn đầu vẫn là khối NH quốc doanh, với hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn các khối còn lại.

Cụ thể, Vietcombank cho biết lợi nhuận trước dự phòng năm 2014 đạt 10.233 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2013; sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.680 tỷ đồng, tăng 2,0% so với năm 2013.

Agribank có lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 101% kế hoạch năm 2014. Đây cũng là NHTM lớn nhất của Việt Nam, với tổng tài sản lên tới 762.869 tỷ đồng (tăng 10,08% so với năm 2013).

Tại VietinBank, lợi nhuận năm 2014 đạt mức 7.300 tỷ đồng và nợ xấu chỉ ở mức hơn 1%, mức thấp nhất trong hệ thống NH hiện nay. Tổng tài sản của NH tính tới cuối năm 2014 vào khoảng 660.000 tỷ đồng, nguồn vốn ở mức 60.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, BIDV là điểm nhấn đáng chú ý của khối NH quốc doanh khi lợi nhuận trước thuế của BIDV năm 2014 đạt 6.065 tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Dư nợ tín dụng đạt trên 461.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%, cơ cấu và tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV là 1,8% (thấp hơn so với mức 3% theo quy định).

Một nhà băng khác là NH TMCP Quân đội (MB), tính đến ngày 31/12/2014, lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 3.003 tỷ đồng, huy động vốn tăng 22%, tổng dư nợ tăng 15,7% so với năm 2013 và vượt kế hoạch đề ra cho năm 2014.

Còn tại NH TMCP Tiên Phong (TPBank), kết thúc năm 2014, tổng tài sản của TPBank đạt trên 51.500 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 50% so với đầu năm. Lợi nhuận luỹ kế (sau khi trích đủ dự phòng tín dụng) tốt hơn so với dự báo, đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm.

Năm 2015, ngành Ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng cao hơn.

Ngoài ra, hàng loạt các NH cũng cho biết lợi nhuận năm 2014 của họ tương đối khả quan. Chính nhờ đà này, năm 2015, thị trường NH kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng cao hơn.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, từ năm 2015, hệ thống NH bắt đầu bước vào giai đoạn 2 của tái cơ cấu, trong đó, nửa đầu năm được xác định là cao điểm, mà các NH lớn phải vào cuộc. Cơ quan quản lý là NHNN đã phát tín hiệu rõ ràng: “NHNN đã đề ra mục tiêu là kiên quyết xử lý những NH yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc”.

Cũng trong thông tin trên, họ dự kiến năm nay sẽ thực hiện 6 thương vụ hợp nhất, sáp nhập NH. Trở lại với việc tham gia của các “ông lớn” quốc doanh, Thống đốc NHNN cho biết hiện nay, thị trường tiền tệ đã ổn định, khả năng chi phối của NHNN đã được nâng lên đáng kể, nguồn lực nội tệ, ngoại tệ lớn… nên giai đoạn 2 tái cơ cấu tổ chức tín dụng có điểm mới là sự tham gia tích cực của các NHTM Nhà nước. Nguyên tắc chung của NHNN là, các NH quốc doanh sẽ không bị thiệt thòi về tiền bạc, tài chính, vì đã là NH cổ phần rồi. Mà các NH này chỉ hỗ trợ dưới góc độ con người, quản trị, uy tín hệ thống của mình.

“Chúng tôi đảm bảo không để các NH thiệt, tôi xin khẳng định tham gia đợt này NH không mất mát gì. Sáp nhập NH vào thì bỗng dưng có mấy trăm chi nhánh sau một đêm. Còn Nhà nước có thể tạo ra thêm nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ. Tóm lại, thông qua việc sáp nhập này, cái được lớn nhất là chúng ta sẽ có các NH quy mô lớn, tầm cỡ khu vực. Để đạt được quy mô này, thì không thể nào phát triển tiệm cận như từ trước tới giờ, sẽ mất hết thời cơ, chỉ thông qua chương trình tái cơ cấu này mới đạt nhanh được. Nói như vậy, HĐQT, ban điều hành phải dành nguồn lực, nhân lực đủ lớn giúp NHNN việc này”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Năm 2015, người đứng đầu NHNN cho biết, cơ bản việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn như năm 2014. Lãi suất cho vay trung và dài hạn tiếp tục hướng mục tiêu giảm tiếp 1-1,5%/năm, phấn đấu mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn về được dưới 10%/năm. Điều này xuất phát từ phân tích cơ cấu thực tiễn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Với tỷ giá, định hướng công bố từ đầu năm là điều chỉnh không quá 2%.

Ngay tuần đầu tiên của năm mới, NHNN đã điều chỉnh 1%, và Thống đốc cũng giải thích là để tạo tâm lý thị trường yên tâm, hạn chế tâm lý găm giữ trong dân cư và doanh nghiệp. Người đứng đầu NHNN khẳng định dự trữ ngoại hối quốc gia hiện không dưới 35 tỷ USD, giúp việc điều hành và can thiệp thị trường bất cứ lúc nào cũng được.

Nhóm PV
.
.
.