Mông lung quy định điều kiện tham gia thị trường nhập khẩu ôtô

Chủ Nhật, 14/05/2017, 09:50
Doanh nghiệp chờ mong Nghị định tham gia thị trường nhập khẩu ôtô hẳn sẽ thất vọng, vì toàn bộ Nghị định là “một khối mông lung”.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời điểm phải chính thức có hiệu lực, bản dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Công Thương soạn thảo mới được “hé lộ” – theo đúng nghĩa đen, vì nó không được đăng công khai trên bất cứ website nào của Bộ.

Doanh nghiệp chờ mong nghị định này để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu tham gia thị trường hẳn sẽ thất vọng, vì toàn bộ Nghị định là “một khối mông lung”.

Phần lớn dung lượng của dự thảo này dành quy định về điều kiện với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, nhưng phần nhiều dư luận sẽ quan tâm đến điều kiện với doanh nghiệp nhập khẩu hơn; bởi sản xuất, lắp ráp là cuộc chơi của các đại gia thực sự, không phải ai cũng tham gia nổi.

Đặc biệt, với lộ trình giảm thuế từ 2018, nhiều DN lắp ráp còn tính toán lộ trình rút khỏi Việt Nam để lắp ráp ở các nước ASEAN với giá thành rẻ hơn. Ngược lại, với đà giảm thuế và dự báo Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn “ôtô hóa” với lượng người trung lưu sở hữu ôtô tăng lên rất nhanh, nhiều DN sẽ thấy nhập khẩu, phân phối ôtô là một lĩnh vực hấp dẫn để đầu tư.

Tuy vậy, theo dự thảo, doanh nghiệp chỉ được quyền nhập khẩu ôtô sau khi “đáp ứng được các điều kiện quy định tại Nghị định này và được Bộ Công Thương cấp Mã số nhập khẩu ôtô”. Điều này đồng nghĩa với việc DN đáp ứng được các điều kiện nhưng nếu chưa được Bộ Công Thương cấp mã số vẫn không được phép nhập khẩu?

Theo điều 19 của dự thảo, DN được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu khi đáp ứng các điều kiện: “Có bộ phận quản lý hoạt động nhập khẩu xe ôtô, quản lý việc bán hàng, bảo hành và triệu hồi ôtô; Có khu vực để ôtô nhập khẩu; Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô phù hợp với loại xe ôtô nhập khẩu và đáp ứng yêu cầu theo quy định tại nghị định này” nhưng không đưa ra tiêu chí cụ thể nào của các yêu cầu: Có khu vực để ôtô nhập khẩu là để được 3 xe, 30 xe hay 300 xe?

Bộ phận quản lý hoạt động thế nào là đủ tiêu chuẩn? Dự thảo cũng đưa ra 3 phương án sở hữu đối với cơ sở bảo hành, bảo dưỡng: “hoặc DN phải sở hữu; hoặc DN sở hữu tối thiểu 30% cổ phần hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô chỉ được ký hợp đồng cho thuê với 1 nhà sản xuất, lắp ráp ôtô?”.

Vậy với DN nhập khẩu thì sao? Các điều kiện trên đều được soạn rất sơ sài, nhìn qua tưởng là dễ, nhưng sẽ lại trở thành vô cùng khó vì điều kiện mập mờ, DN chuẩn bị đến mức nào cũng không... trúng, lúc thừa, lúc thiếu, rất lãng phí nguồn lực. Mặt khác, các quy định không cụ thể chính là cơ hội để làm tùy tiện.

Tại Điều 20 về Hồ sơ đề nghị cấp mã số nhập khẩu ôtô, điểm c yêu cầu “Tài liệu chứng minh DN có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này” – nhưng Điều 20, như đã nói ở trên, là quy định về hồ sơ đề nghị cấp mã số nhập khẩu, chứ không quy định về cơ sở bảo hành bảo dưỡng ôtô. Đáng chú ý, mã số này chỉ có hiệu lực trong vòng 3 năm, hết thời gian đó phải xin cấp lại. Tối thiểu 45 ngày trước ngày hết hạn, DN phải gửi hồ sơ về Bộ Công thương để xin cấp lại mã số.

Với điều kiện thiếu rõ ràng, nếu được thông qua, nghị định chắc chắn sẽ làm khó doanh nghiệp.

Về quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, điều rất đáng nghi nhận là Nghị định không bắt buộc áp dụng với các DN kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô nhưng không cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô.

Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng nhỏ lẻ hiện nay tạm thời vẫn có thể yên tâm hoạt động. Với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc nội dung điều chỉnh của Nghị định, dự thảo chủ yếu bàn đến trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận, kiểm tra, giám sát định kỳ...

Đây vốn là một chương đầy thử thách với Bộ Công Thương, vì lĩnh vực này trước vốn do Bộ Giao thông vận tải phụ trách. Tuy nhiên, do trong quá trình xây dựng Luật sửa Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Giao thông vận tải từ đầu đến cuối bảo lưu quan điểm không đưa dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô vào danh mục, nên việc xây dựng nghị định về điều kiện cho lĩnh vực này được giao luôn Bộ Công Thương – vốn không có chút kinh nghiệm nào. Cơ quan kiểm tra, chứng nhận vẫn là Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải).

Về điều kiện, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng, trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 11794 Tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô và các phương tiện tương tự - yêu cầu chung.

Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể tìm ra TCVN này, nên các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng muốn đáp ứng được yêu cầu của Nghị định (dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1-7 tới) hẳn sẽ khó khăn.

DN có dự án sản xuất, lắp ráp ô tô đã được xác nhận trước thời điểm Nghị định có hiệu lực được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 3 năm, sau đó phải tuân thủ các quy định của Nghị định.

Các DN nhập khẩu ôtô phải áp dụng các quy định tại Nghị định này sau 1 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực. Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đã được cấp trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định này vẫn có giá trị đến hết thời hạn của giấy chứng nhận.

Vũ Hân
.
.
.