Nhận diện "kịch bản" kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép:

"Mồi nhử hoa hồng" triệu USD khiến nhiều người sập bẫy

Thứ Năm, 03/06/2021, 06:16
Trong một vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép có dấu hiệu nở rộ và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Có những vụ việc có người tham gia rất lớn, lên tới hàng chục ngàn người và các đối tượng chủ mưu thì kịp thời rút lui và không để lại dấu vết khi các cơ quan quản lý nhà nước chính thức vào cuộc.



Để thu hút người tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng này, những người đi trước thường đưa ra lời giới thiệu về dự án mang lại "hoa hồng" triệu đô, khiến nhiều "con mồi" khó mà không "cắn câu".

Mặc dù đã về hưu nhưng muốn kiếm thêm thu nhập, bà H.N. (Trung Kính- Trung Hòa- Cầu Giấy- Hà Nội) mới đây đã "ngậm đắng nuốt cay" mất trắng 50 triệu đồng khi tham gia app My Aladdinz. 

Bà N. cho biết: "Trong khu tập thể của tôi có vài người đã tham gia nhóm này, họ rủ tôi tham gia. Công việc cũng không mấy vất vả, phù hợp với lứa tuổi tôi. Chồng con tôi khuyên can nhưng tôi không nghe, thấy bỏ ra 50 triệu cũng không quá lớn. Giờ thì mọi việc vỡ lở, tôi tiếc của, 50 triệu cũng bằng gần 1 năm lương hưu của tôi rồi". 

Theo bà N, nhiều người tham gia app Myaladdinz như bà đành chấp nhận bỏ tiền vì không biết đi đâu mà đòi, hơn nữa, "chúng tôi cũng xấu hổ, tin người quá"- bà N. nói.

Hoạt động đa cấp biến tướng của app Myaladdinz thu hút hàng chục nghìn người tham gia nhưng đã bị lật tẩy.

Năm 2020, app Myaladdinz nổi bật trên Internet với lời giới thiệu "cơ hội giúp bạn kiếm hàng triệu đô năm 2020 và nhiều năm tới với app TMĐT di động Myaladdinz toàn cầu". Các đối tượng đã liên tiếp tổ chức nhiều sự kiện đặc biệt trên Internet để nói về "xu hướng và cơ hội kinh doanh".

Năm 2020 cũng là thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát, thương mại điện tử (TMĐT) được đẩy mạnh vào thời điểm này nên nhiều hoạt động kinh doanh online theo hình thức đa cấp lợi dụng bối cảnh này, đưa ra "giải pháp vượt qua khủng hoảng COVID-19". Dù đã được cảnh báo song nhiều người vẫn bị lôi kéo tham gia vào các nhóm này.

Không chỉ Myaladdinz hoạt động đa cấp biến tướng, trên mạng Internet thời gian qua còn xuất hiện các hoạt động đa cấp nuôi bò, ấp trứng online, BO... với lượng người tham gia lớn. Cơ quan chức năng đã liên tiếp cảnh báo về hoạt động trái phép của các tổ chức này, người tham gia có thể bị ảnh hưởng quyền lợi.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương), qua quá trình theo dõi và giám sát, có thể thấy thủ đoạn của các dự án và các đối tượng này được lặp đi lặp lại như là một công thức hay một kịch bản được dàn dựng sẵn, nhưng lại vô cùng hiệu quả. Theo đó, các đối tượng hoạt động đa cấp thường dùng "mồi nhử" là: Thu nhập thụ động mùa COVID-19, "giải pháp tài chính cho 100 USD-200USD/ngày", "giữ coin hôm nay, tỷ phú ngày mai"... để lôi kéo người tham gia. 

Đáng chú ý, thông qua Internet, các nội dung quảng cáo này được đăng tải và chia sẻ rất nhanh. "Các đoạn giới thiệu này đánh trúng vào nhu cầu của người nghe, người đọc, thậm chí trúng vào bản năng của con người nên rất nhiều người tin theo. Các đối tượng này còn cho người khác tham gia thử với số vốn rất nhỏ, hoặc miễn phí để chiếm được lòng tin. Sau đó, người tham gia lao vào như "thiêu thân" - ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD nói.

Sau các bước này, những người đứng đầu của nhóm hoạt động thường sắp xếp người dẫn dắt người mới tham gia và nhân vật "chim mồi"- người bảo chứng xuất hiện. Có rất nhiều danh hiệu của những nhân vật này, kể cả danh hiệu tự phong như: Coach, Leader, Dimond, Upline, Master trainer, Vua truyền lửa, Diễn giả…

Đây là nhân vật không thể thiếu của "dự án" này, "người dẫn dắt" là những người có khả năng thuyết trình, dẫn dắt nội dung chuyên nghiệp. Sau đó kết hợp với nhiều thủ thuật khác của người dẫn dắt: Như mời người tham gia dự sự kiện tại những nơi rất sang trọng (nơi mà người tham gia chưa bao giờ tới để người tham gia bị bỡ ngỡ và mất tính chủ động), hay mời nạn nhân tham gia các hoạt động với nhiều trò chơi, hô hào tập thể…  "những diễn giả" này sẽ biến những người tò mò ở trên từ những người có tâm lý "đề phòng", "dè dặt" chuyển sang trạng thái hưng phấn, nhiệt tình tham gia "dự án" và thậm chí sau này còn sẵn sàng chống lại những người ngăn cản mình.

"Vai diễn" người bảo chứng xuất hiện như một nhân chứng sống để thêm phần thuyết phục người mới tham gia. Người bảo chứng giả sẽ xuất hiện dưới dạng là một tấm gương "đầu tư" đi từ nghèo đói để trở thành người có thu nhập "khủng", hay một người mẹ có người con thành đạt nhờ đầu tư vào dự án, một người bệnh đã khỏi bệnh nan y nhờ dùng sản phẩm…

Kèm theo đó là những "minh chứng" thêm phần thuyết phục như: Ảnh chụp sao kê tài khoản với số tiền lớn, những chiếc ôtô sang trọng (thực tế thì những tài sản này chỉ là đi mượn hoặc thuê), những tài liệu y khoa giả…

Sự kết hợp tài tình giữa các nhân vật này sẽ phát tán FOMO (Fear Of Missing Out, một hội chứng tâm lý làm cho ai đó sợ bị bỏ rơi, bỏ lỡ một thứ gì đó) vào đám đông người tham gia làm họ thật sự sợ bị bỏ lỡ cơ hội "hiếm có" này. Sau đó, cùng với các thủ thuật của người dẫn dắt, những nạn nhân sẽ bị cuốn theo tâm lý của đám đông đang chìm trong đám FOMO kia và họ sẽ không thể tỉnh táo để quyết định dừng lại mà rất dễ bị các đối tượng này "chốt deal" ngay lúc đó. Đây có thể là mấu chốt của việc những nạn nhân bắt đầu bỏ tiền ra để "mua lấy cơ hội" này.

Trong khi đó, với người tham gia - nạn nhân thì đây là "vai diễn" bị động nhưng lại có số lượng đông nhất trong màn kịch trên. Ban đầu chỉ là những người xem, người ngoài lề, họ bị những nội dung quảng cáo đầu tiên kích thích sự tò mò, họ bị chính người thân quen, người mình tin tưởng lôi kéo để nghe chia sẻ cơ hội "đầu tư làm giàu" từ những người dẫn dắt kia.

Họ trải qua đầy đủ các giai đoạn từ những người "có tâm lý đề phòng", rồi thử thành người tham gia và nhận được một ít tiền thưởng ban đầu để kích thích sự "tự tin" đi giới thiệu cho người khác về "dự án", thậm chí sau này họ phản sẽ bác quyết liệt đối với những lời cảnh báo về "dự án". Người tham gia có thể là mọi thành phần, mọi đối tượng: Người già, sinh viên, phụ nữ, nam giới, từ những người có sẵn tiền tiết kiệm, đến những người nghèo đi vay lãi để tham gia… Nhưng những người này đều có những điểm chung đó là "lòng tham" đã lớn hơn "sự sợ hãi", họ quyết định bỏ số tiền rất lớn đầu tư vào một thứ mà chính họ chỉ hiểu "mù mờ", tất cả để đổi lấy một "cơ hội phù phiếm" về sự "giàu có mà không cần phải làm gì".

Nói về kết quả của hoạt động đa cấp biến tướng, ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD cho hay: "Bằng cách này hay cách khác, thực chất của những màn kịch này là lấy tiền của người tham gia sau trả cho người trước, đến khi không có người nộp tiền tiếp theo thì hệ thống người tham gia sẽ bị vỡ.

Và cái kết chắc chắn sẽ đến đó là phần lớn những người tham gia trên kia sẽ không thể thu hồi được khoản đầu tư ban đầu của mình bởi vì họ không có hợp đồng; nếu có hợp đồng thì cũng chỉ tượng trưng không có nội dung gì rõ ràng; không có hóa đơn, chứng từ nhận tiền, nạp tiền vào "hệ thống" thì hệ thống bây giờ không hoạt động, tìm "tuyến trên", người bảo trợ thì những người này cũng đi tìm những tuyến trên cao hơn để đòi tiền cho mình, hoặc chỉ động viên nạn nhân chấp nhận đây là cuộc chơi.

Thậm chí, những nạn nhân này cũng không khiếu nại, khiếu kiện tới các cơ quan chức năng vì họ không có bằng chứng gì liên quan đến các giao dịch nộp tiền. Một phần bản thân họ cũng đã đi dụ dỗ người khác tham gia nên có thể coi là người tiếp tay cho hành vi trái pháp luật".

Thống kê của Cục CT&BVNTD cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, trung bình có khoảng 800.000 người tham gia đa cấp mỗi năm. Điển hình năm 2018, số người tham gia đa cấp lên tới 1,25 triệu người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60% người trong số này nhận được hoa hồng hay một số lợi ích kinh tế.

Lưu Hiệp
.
.
.