Mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ

Thứ Sáu, 18/05/2018, 15:35
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tiếp xúc để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh...


Ngày 18-5, tại Khách sạn New World, TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ nhằm cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến chính sách mới của Hoa Kỳ, đưa ra những phân tích, đánh giá và định hướng để doanh nghiệp có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh của mình một cách bài bản, hiệu quả; đồng thời. Diễn đàn còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tiếp xúc để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2018 có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Công Thương, các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Diễn đàn là cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nối giao thương, hợp tác

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Thương mại bang Washington, đại diện của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (AMCHAM) cùng đại diện nhiều doanh nghiệp và Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ hiện đang kinh doanh tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao. 

Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (là năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt 50,81 tỷ USD vào cuối năm 2017.

Một đặc điểm rất quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đó là tính chất bổ trợ cho nhau của hai nền kinh tế. Trong khi Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ làm đầu vào cho hoạt động sản xuất…thì Hoa Kỳ lại có xu hướng nhập khẩu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, hoặc các sản phẩm dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử. Đây đều là những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi và lợi thế về nhân công.

Tăng trưởng thương mại hai chiều diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương trên tất cả các mặt giữa hai nước, từ chính trị - kinh tế, cho tới an ninh – quốc phòng ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. 

Thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều theo hướng bền vững và hài hòa sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Đây cũng là tinh thần chung đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhất trí trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ vào tháng 5/2017.

Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào thị trường Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn nhưng khó tính này.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau. 

Doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ, cụ thể là tiểu bang nào phải tìm hiểu luật, những quy định ràng buộc tại tiểu bang đó, cũng như luật liên bang có liên quan. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.

Gần đây Hoa Kỳ đã hoàn tất Nghị trình Chính sách Thương mại năm 2018 mới được công bố cho thấy Hoa Kỳ đã hoàn tất việc hệ thống hóa chính sách thương mại, cùng với định hướng của Chiến lược An ninh quốc gia.

Những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành bài toán không dễ tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. 

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 41,6 tỷ USD, chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ sản, thì những sản phẩm mới như hàng điện tử, sắt thép, thực phẩm chế biến cũng tìm được chỗ đứng của mình tại thị trường Hoa Kỳ. Đó là lý do các sự kiện xúc tiến xuất khẩu liên quan đến thị trường này luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam hiện là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ. Thặng dư cao trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ của Việt Nam đạt trên 32,4 tỷ USD trong năm 2017.

Thu Phương
.
.
.