Mở cửa mua sắm công, “sân chơi” mới đầy cạnh tranh

Chủ Nhật, 07/04/2019, 09:48
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14-1-2019 cũng là lúc Việt Nam mở cửa chào mời nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đấu thầu mua sắm công. 

Thực tế đó cho thấy, doanh nghiệp (DN) Việt phải đối diện với nguy cơ cạnh tranh hết sức khốc liệt với các gói thầu mua sắm Chính phủ ngay trên sân nhà...

Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, đối với các nhà thầu, nội dung đặc biệt quan tâm của CPTPP chính là quy định về mua sắm Chính phủ. Bởi ngoài việc mở cửa thị trường các nước thành viên có tổng GDP lên tới 10.200 tỷ USD, thì sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng đã cận kề ngay trên sân nhà. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) khẳng định: “Với Hiệp định CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra những cam kết trong lĩnh vực mà trước đây Việt Nam chưa từng cam kết. Cụ thể, như cam kết về mua sắm công. Từ trước đến nay, việc mua sắm Nhà nước dùng tiền như thế nào, mua của ai, theo cách thức như thế nào hoàn toàn thuộc về quyết định của Nhà nước, không có nước nào can thiệp vào chuyện này. 

Nhưng trong CPTPP, thì Việt Nam cam kết ràng buộc với các đối tác là sẽ tiến hành mua sắm công theo những cách thức, những tiêu chuẩn mà đã cam kết với đối tác. Điều đó là một bước tiến vô cùng quan trọng vì mua sắm công là khu vực đầu tư, mua sắm cực kỳ lớn của bất kỳ nền kinh tế nào”. 

Doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thực hiện các công trình quy mô lớn.

Tới thời điểm CPTPP, Việt Nam chưa cho bất kỳ nhà cung cấp hay nhà thầu nước ngoài nào tham gia vào thị trường để cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công của Việt Nam. 

Tuy nhiên, giải đáp thắc mắc một số DN, là tại sao vẫn thấy có một số nhà thầu Trung Quốc, nhà thầu của một số nước ở thị trường Việt Nam trong thời gian qua, bà Trang cho rằng: Theo pháp luật về đấu thầu thì trong trường hợp chúng ta sử dụng nguồn vốn vay, sử dụng nguồn vốn ODA hay sử dụng nguồn vốn ưu đãi khác của quốc tế, chúng ta phải theo yêu cầu của người cho vay, hoặc người cung cấp khoản ưu đãi đó. 

Nói về những lợi ích và thách thức của việc mở cửa thị trường mua sắm công, các chuyên gia cho rằng: Thách thức lớn đối với DN trong nước, đó là hiện nay, trong mua sắm Chính phủ của Việt Nam đang áp dụng chính sách khuyến khích dùng các sản phẩm, hàng hóa trong nước sản xuất trong đấu thầu. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản trong cam kết của CPTPP là không phân biệt đối xử. 

Chủ đầu tư có nghĩa vụ đối xử với nhà thầu, hàng hóa của Việt Nam cũng như nhà thầu và hàng hóa của các nền kinh tế CPTPP một cách công bằng. Điều này khiến các DN sản xuất hàng hóa, thiết bị trong nước sẽ không còn lợi thế đó nữa, do có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất quốc tế. 

Ngoài ra, với CPTPP, các nhà thầu Việt cũng có cơ hội để tham gia, thắng thầu tại các gói thầu, dự án của các nước thành viên nội khối, nhưng trên thực tế hiện nước ta không có nhiều DN, nhà thầu có đủ năng lực để có thể cạnh tranh được với các nhà thầu lớn trong khối CPTPP.

“Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng CPTPP cũng đã mang lại cho DN, nhà thầu không ít cơ hội. Đó là khi chúng ta đi sang các nước CPTPP sẽ được tiếp cận với khối khách hàng là Nhà nước - khối khách hàng cực kỳ lớn”, bà Trang thông tin.

Ông David Hà, Nhà nghiên cứu độc lập về đầu tư công, mua sắm công (Việt kiều Canada) cho biết thêm: “Đấu thầu mua sắm công ở mỗi nước là rất lớn, chiếm đến khoảng 20% GDP của họ”. 

Theo các chuyên gia, nguyên tắc chung trong CPTPP là các thông tin về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu phải được công khai, minh bạch, đây là điều kiện thuận lợi trong việc đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam. Bởi, kim ngạch nhập khẩu máy móc hằng năm của nước ta hàng tỷ USD, chủ yếu là các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... 

Khi mở cửa CPTPP, các gói mua sắm công của Việt Nam khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng nên sẽ không còn nhập máy móc ở những thị trường dễ dãi, đặc biệt là những loại máy móc Trung Quốc đã qua sử dụng. 

Cũng chính tiêu chí công khai, minh bạch, cũng sẽ loại trừ được tận gốc nạn phong bì, lợi ích nhóm, cái “bắt tay” dưới gầm bàn, là cơ hội để các nhà thầu Việt hoàn toàn có thể hòa nhập và cạnh tranh một cách sòng phẳng.

Mở cửa thị trường mua sắm công vừa tạo sức ép vừa là cơ hội cho nhà thầu Việt bước ra thị trường thế giới. Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, một trong những yếu tố quan trọng để nhà thầu Việt có thể giành thắng lợi trên “sân chơi” mới đầy tiềm năng và cạnh tranh này là phải linh hoạt, chủ động nắm bắt các quy định, cam kết, thông tin về thị trường, về đối thủ trong nội khối CPTPP…  

Để hỗ trợ cho DN, nhà thầu trong nước, Chính phủ cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện chính sách, tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.

Thúy Hà
.
.
.