Mạnh tay xử phạt vi phạm chứng khoán

Thứ Tư, 01/05/2019, 09:28
Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mỏi tay ký các quyết định xử phạt, tình trạng vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) không những không giảm mà ngày còn có chiều hướng gia tăng với những hình thức tinh vi và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.


Bởi vậy, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang đề xuất chế tài và mức xử phạt đảm bảo tính răn đe, cũng như tăng thêm thẩm quyền cho cơ quan chức năng.

Tăng thẩm quyền và chế tài xử lý vi phạm

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành về thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm không đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế đảm bảo thực thi pháp luật trên TTCK.

Nâng mức xử phạt hành chính tối đa lên 3 tỷ đối với tổ chức và 1,5 tỷ đối với cá nhân vi phạm.

Để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, đồng thời trên cơ sở rà soát đảm bảo phù hợp với các luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông...), dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung quy định một số quyền của UBCKNN như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK theo quy định trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin của pháp luật về các tổ chức tín dụng; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm (Điều 128).

Đồng thời, để bảo đảm việc xử lý vi phạm đạt hiệu quả, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, dự thảo Luật bổ sung quy định, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý: Đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề; cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm tham gia các hoạt động về chứng khoán và TTCK có thời hạn hoặc vĩnh viễn (Điều 130).

Đáng chú ý, dự thảo Luật quy định nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính từ 2 tỷ lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và từ 1 tỷ lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Gỡ vướng để thị trường phát triển

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành, Luật Chứng khoán cũng bộc lộ một số hạn chế như một số điều khoản chưa đủ rõ ràng, không còn phù hợp với thực tiễn, không còn thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan..., do đó cần thiết phải sửa đổi. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu của dự thảo luật liên quan đến điều kiện chào bán chứng khoán, công ty đại chúng, thị trường giao dịch, mô hình tổ chức và thanh tra, xử lý vi phạm…

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của TTCK, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế , đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường và bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, bố cục của dự thảo Luật là hợp lý, trong đó đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...

“So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi lần này có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, bao gồm cả hoạt động thị trường, chủ thể thị trường và hoạt động quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK”, báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết.

Đề xuất tịch thu toàn bộ khoản thu lời bất chính

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, do đặc thù của lĩnh vực chứng khoán là liên quan đến tài chính, mức vi phạm khá lớn, nên ban soạn thảo đề xuất mức phạt đặc thù lên đến 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và 3 tỷ đồng đối với tổ chức. 

Đánh giá đây là mức phạt tương đối phù hợp, có cân đối với các quy định của Bộ luật Hình sự, song ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng cho rằng chưa đủ sức răn đe nên đã bổ sung nội dung hình phạt mới là tịch thu khoản thu lời bất chính. 

Dù đây là quy định mới và khó, song theo Chủ tịch UBCKNN, ban soạn thảo đề xuất đưa nguyên tắc này vào luật để nghiên cứu, quy định sau. 

Thông thường ở nhiều nước, khi xác định mức thu lời bất chính thì họ quy định phạt gấp đôi. Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam, sau khi rà soát kỹ, ban soạn thảo dự kiến chỉ đưa quy định tịch thu toàn bộ mức thu lời bất chính.

H.A.
.
.
.