Cho vay tín chấp, trả góp từ các công ty tài chính và tập đoàn bảo hiểm:

Mặc sức 'siết thòng lọng' người vay

Thứ Bảy, 14/03/2015, 10:56
Những năm gần đây, nhiều công ty tài chính, DN bảo hiểm liên tục cho nhân viên tín dụng chèo kéo người vay với các điều kiện thông thoáng qua hình thức tín chấp với mức lãi suất cắt cổ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lãi suất cho vay ngắn hạn trong chương trình kết nối NH – DN tại TP Hồ Chí Minh hiện chỉ còn phổ biến ở mức 6,5%, tối đa không quá 7%/năm; các khoản vay trung, dài hạn lãi suất còn dưới 10%/năm. Với các khoản vay thông thường, lãi suất cũng chỉ cao hơn chút ít. 

Nhưng lợi dụng khó khăn về tài sản thế chấp để được vay ngân hàng của những người có nhu cầu và tận dụng thực trạng các NH thương mại ít quan tâm đến những khoản vay nhỏ, có giá trị vài chục triệu hoặc một hai trăm triệu đồng trở lại, những năm gần đây, nhiều công ty tài chính, DN bảo hiểm liên tục cho nhân viên tín dụng chèo kéo người vay với các điều kiện thông thoáng qua hình thức tín chấp với mức lãi suất cắt cổ.

Thậm chí lãi suất cho vay lên tới 24%/năm do người vay không được trừ lùi lãi vay theo nợ gốc mà phải chịu lãi trên tổng số nợ gốc trong suốt thời gian vay.

Dù không có nhu cầu vay, nhưng anh Huy, một người dân ở quận 3, TP Hồ Chí Minh vẫn nhận được email của người tự xưng là chuyên viên tư vấn tập đoàn tài chính PVFC Finance giới thiệu về chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho đối tượng công nhân viên, cán bộ kèm theo cam kết nghe khá hấp dẫn: không cần hóa đơn, không phí dịch vụ, không thế chấp.

Thử liên hệ với nhân viên này, sau khi nghe sơ qua yêu cầu, chuyên viên tư vấn tín dụng cá nhân tên T.H. lịch sự kiểm tra mức thu nhập, nơi làm việc và những thông tin về tình hình tài chính tín dụng cá nhân như đã vay hay có nợ ngân hàng và công ty tài chính nào chưa, đã mua trả góp hàng hóa, đồ gia dụng ở đâu chưa… anh Huy được vị chuyên viên này cho biết, với mức lương 11-12 triệu đồng/tháng của anh, sẽ được công ty xem xét cho vay tối đa là 100 triệu đồng.

Với gói vay 36 tháng, mỗi tháng anh sẽ phải trả góp ở mức cố định khoảng 4 triệu đồng. Mức lãi suất anh Huy phải chịu cố định hàng tháng là 1,3%, tương đương với 15,6%/năm cho toàn bộ số tiền trên trong suốt thời gian 3 năm được vay.

Những người có mức thu nhập 18 – 20 triệu đồng/tháng sẽ được vay ở mức tối đa 200 – 250 triệu đồng.

Với khoản vay này, lãi suất giảm được chút ít, song người vay cũng sẽ phải chấp nhận trả lãi ở mức 1,09 – 1,12%/tháng trên tổng số tiền này trong suốt thời gian vay.

Lãi suất ngân hàng đã xuống thấp nhưng nhiều người dân vẫn phải đi vay lãi cao từ các công ty tài chính, bảo hiểm. Ảnh minh họa.

Theo lời chuyên viên tập đoàn tài chính PVFC Finance này khẳng định thì người vay có mức lương hoặc thu nhập hàng tháng càng thấp, lãi suất cho vay sẽ càng cao hơn.

Cho vay theo hình thức tín chấp nên hồ sơ vay với người đang đi làm việc hưởng lương hàng tháng khá đơn giản.

Ngoài ra, các đối tượng khác như cá nhân tự kinh doanh có mua bảo hiểm nhân thọ hoặc có thẻ tín dụng đều được các tổ chức tài chính xem xét cho vay theo hình thức trên.

Và cũng giống như các NH thương mại, tiền huy động từ người mua bảo hiểm hàng tháng nộp về hoặc tiền đi vay từ các tổ chức khác mang về kinh doanh nhằm mục đích sinh lời.

Cộng với lý do cho vay tín chấp chịu rủi ro cao nên các công ty tài chính, tập đoàn bảo hiểm đều tự đặt cho mình mức lãi suất cho vay cao ngất ngưởng để buộc người vay phải gánh chịu thêm cả phần rủi ro này.

Đồng thời các DN bảo hiểm nhân thọ, công ty tài chính cũng chịu áp lực rất lớn trong việc phải cho vay ra để tìm kiếm lợi nhuận.

Đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh tình trạng để cạnh tranh, nhân viên một số DN bảo hiểm liên tục thu thập, cập nhật thông tin cá nhân như số điện thoại, email, số nhà… của người dân một cách bất minh.

Sau đó cho nhân viên tư vấn tài chính gọi điện, gửi thư chèo kéo, làm phiền những người mà các nhân viên này cho là khách hàng tiềm năng cả trong lúc làm việc lẫn trong giờ nghỉ ngơi.   

Những năm gần đây, dịch vụ cho vay tín chấp, trả góp này được nhiều tổ chức tài chính, DN bảo hiểm nhân thọ liên tục mở rộng đến từng nhóm đối tượng khách hàng; đến từng ngóc ngách đời sống xã hội nên số tiền đã cho vay ra trên cả nước là rất lớn.

Công ty tài chính nào cho vay ít như PPF cũng đạt vài ngàn tỷ, còn tập đoàn tài chính bảo hiểm lớn như Prudential đã cho vay ra đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Không thể phủ nhận rằng đây cũng là nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, với mức lãi suất cho vay được các DN bảo hiểm, công ty tài chính áp dụng khá cao và gần như được thả nổi; chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thẩm quyền và hầu như không bị khống chế trần cho vay suốt thời gian qua nên đây cũng là một kiểu bắt chẹt người khó.

Do đó, ngày nào NH Nhà nước còn để cho các tổ chức tín dụng được tự ấn định lãi cho vay hoặc tự thỏa thuận lãi suất với người vay, ngày đó các tổ chức tài chính, DN bảo hiểm vẫn cứ mặc sức “chém đẹp” người tiêu dùng.                         

Đ.Thắng
.
.
.