Loại bỏ bớt các nhà đầu tư yếu kém tham gia dự án công - tư

Thứ Tư, 06/06/2018, 09:41
Ngày 5-6, tại Hà Nội, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)tổ chức hội nghị Phổ biến Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (Nghị định 63) về đầu tư theo hình thức công - tư (PPP).


Nghị định 63 có hiệu lực thi hành từ ngày 19-6-2018 để thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP (Nghị định 15) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công - tư.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, mô hình đầu tư theo hình thức PPP không còn mới ở Việt Nam. Hình thức hợp tác công tư đã được phát triển khá đa dạng với các mức độ tham gia khác nhau của khu vực tư nhân cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua đó, các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông, năng lượng cũng đã được triển khai. 

Nghị định 63 được kỳ vọng sẽ có những đổi mới thiết thực trong việc triển khai áp dụng mô hình PPP đối với các Bộ, ban, ngành, các địa phương, các chủ đầu tư.                   ( Ảnh minh họa Internet)

Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ các khu vực tư nhân thông qua mô hình PPP trong thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước.

Nghị định số 63 tập trung tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án đang được triển khai, trong đó có các dự án BOT, BT giao thông giai đoạn trước. Đối với nhóm dự án này, bất cập lớn được dư luận chỉ ra có thể kể đến như tính công khai, minh bạch về thông tin của dự án; áp dụng chỉ định thầu là chủ yếu... 

Riêng đối với dự án BT, thực trạng được dư luận phản ánh chủ yếu là do trong quá trình thực hiện thanh toán, quyết toán, việc xác định giá trị công trình BT bị đẩy lên, giá đất thì chưa phản ánh đúng giá thị trường... Nghị định 63 phần nào đã giải quyết được các bất cập này.

Ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị định 63 cũng có một số điểm mới quan trọng như: Tăng cường tính phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, loại bớt những nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính; gia tăng hình thức tham gia của Nhà nước vào các dự án PPP và ngược lại, gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư vào các dự án đầu tư công chuyển đổi sang dự án PPP, giúp giảm gánh nặng chi lên ngân sách…

Phan Đức
.
.
.