Lo ngại dòng tiền ngân hàng đổ vào bất động sản

Thứ Sáu, 16/04/2021, 06:49
Bất động sản (BĐS) “sốt ầm ầm”, vốn tín dụng chảy vào kênh này cũng cao hơn so với mặt bằng tín dụng chung của cả nền kinh tế - điều này đang làm dấy lên những nghi ngại về bong bóng BĐS và rủi ro nợ xấu tăng cao.


Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến cuối quý I/2021, dư nợ tín dụng BĐS đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020, mức tăng này cao hơn so với mặt bằng tăng trưởng tín dụng chung các ngành kinh tế trong quý I/2021 (2,93%). Trước đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS cuối tháng 2-2021 là hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với năm 2020 (trong đó kinh doanh BĐS tăng 2,82%).

Tiền đổ nhiều vào BĐS, mà tín dụng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, cho nên thực tế từ đầu năm nay, thị trường nhà đất trở nền nóng hầm hập, trong đó có những nơi giá trị BĐS tăng tới 200%. Đáng nói, để kích cầu tín dụng, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có chương trình cho vay mua BĐS với mức lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu khoảng 7-8%/năm, sau đó thả nổi vào khoảng 9-11%/năm.

Tín dụng BĐS quý I/2021 tăng cao hơn tín dụng chung của nền kinh tế.

Mức lãi suất này được những người có nhu cầu mua nhà đất để ở hoặc đầu tư nhận định là khá lý tưởng. Nhiều người gửi tiền thấy lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn cũng rút ra để đầu tư nhà đất với kỳ vọng mức sinh lời cao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, thừa nhận có thực tế là dịch COVID-19 khiến hàng loạt cơ sở sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, phải đóng cửa. Dòng tiền thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh đã chuyển hướng sang BĐS, bởi đây không chỉ là kênh đầu tư mà còn là nơi cất trữ tài sản an toàn theo quan niệm lâu nay của người dân.

"Lãi suất gửi tiết kiệm chưa bao giờ thấp như thời gian qua, khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào BĐS. Chính sách cho vay của các NH thương mại cũng góp phần khiến vốn tín dụng đổ nhiều hơn vào BĐS, khi khách hàng có thể vay tới 70% giá trị tài sản bảo đảm. 3 tháng đầu năm, tín dụng BĐS cao hơn mặt bằng tín dụng chung của nền kinh tế đã cho thấy thực tế này" - ông Lê Hoàng Châu phân tích.

Tuy vậy, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trong bối cảnh sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mặt bằng giá nhà đất lên cao mà dòng vốn ngân hàng lại chảy mạnh vào BĐS, liệu có gây ra nguy cơ bong bóng hay nợ xấu như từng xảy ra khoảng 10 năm trước mà cho đến bây giờ, “cục máu đông” này vẫn chưa được xử lý triệt để?

Trong hội nghị ngành ngân hàng diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng bày tỏ nghi ngại: “Một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn bình quân, như tín dụng BĐS, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó là sự sôi động của thị trường BĐS, chứng khoán trong nước và thế giới thời gian qua cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động các ngân hàng”.

Từ phía NHNN, quan điểm điều hành là luôn theo dõi sát sao để định hướng tín dụng chảy vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán và BĐS. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khi nhận xét về sự sôi động của thị trường BĐS đã cho rằng nguyên nhân thị trường BĐS tăng không phải chỉ xuất phát từ tín dụng.

“Trong thời gian qua, rất nhiều diễn đàn, họp báo các chuyên gia và phân tích đánh giá nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường BĐS tăng nóng như các thông tin quy hoạch, hoặc thông tin giá đất các địa phương công bố và nhiều nguyên nhân khác nữa”, ông Tú thông tin và cho biết đối với lĩnh vực BĐS, ngành ngân hàng luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực này.

“Trong 3 năm qua, tín dụng BĐS có tín hiệu giảm dần. Đặc biệt trong năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, tín dụng BĐS chỉ tăng trưởng 11,89%. Trong khi đó, 2018, 2019, tín dụng BĐS tăng 26-28%. Đến 3 tháng đầu năm 2021, tín dụng BĐS tăng 3% tương đương với mức tăng tín dụng nói chung. So với cuối tháng năm 2020 thì tín dụng BĐS có tăng cao hơn do tác động của dịch COVID-19, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 thì mức tăng của tín dụng BĐS không cao hơn và thậm chí còn thấp hơn so với những năm trước.

Chẳng hạn, trong năm 2019, đến hết tháng 3, tín dụng BĐS tăng 5,13%. Điều đó cho thấy, tín dụng BĐS đang được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt vào phân khúc đầu tư BĐS của dự án cao cấp. Việc kiểm soát dòng tiền vào BĐS đã được NHNN quản lý chặt chẽ và thường xuyên đưa ra cảnh báo”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Về công cụ giám sát, lãnh đạo NHNN cho biết đã hạn chế tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tối đa là 40%. Thứ hai là áp dụng tỷ lệ hệ số rủi ro 150% với các khoản vay có dư nợ trên 4 tỷ đồng mà cá nhân vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên cảnh báo cho các tổ chức tín dụng để điều chỉnh kịp thời các khoản vay, yêu cầu các NHTM tăng cường giám sát quản lý chặt dòng tiền đảm bảo đúng đối tượng, đi đúng vào lĩnh vực cần thiết hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro. Song song đó là theo dõi sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, tránh việc vay vì các lý do khác nhưng bản chất đầu tư vào BĐS.

“Vấn đề giá BĐS tăng nóng ở một số địa phương đã được nhận diện, đánh giá, phân tích với nhiều nguyên nhân, lý do. Để phát triển thị trường BĐS lành mạnh, không bong bóng, đảm bảo an toàn vĩ mô, chúng tôi cho rằng ngoài việc thắt chặt dòng tiền của các tổ chức tín dụng thì cũng cần có chính sách đồng bộ của các bộ ngành chức năng đối với thị trường BĐS”, ông Tú đề xuất.

Hà An
.
.
.