Lo ngại ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tiểu thương không dám trữ hàng Tết

Thứ Bảy, 21/11/2020, 10:45
Do ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người lao động mất việc làm..., kéo theo sức mua cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Lo ngại sức mua trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới không được cải thiện, các DN, tiểu thương vẫn còn dè dặt, không dám dự trữ hàng nhiều như Tết như mọi năm...

Kinh doanh tại chợ Bình Tây (quận 6, TP Hồ Chí Minh) hơn 50 năm nay, bà Liên – chủ sạp 682 chia sẻ, mọi năm, khoảng tầm này, các cơ sở sản xuất, phân phối các loại bánh kẹo, mứt Tết đã rầm rộ chào hàng; tiểu thương tấp nập ra vào để nhập hàng, đóng hàng sỉ phân phối đi các tỉnh. 

Năm nay, đến giờ này vẫn chưa có cơ sở nào đến giới thiệu sản phẩm; cảnh khách sỉ chờ đợi đóng hàng, khách mua lẻ cũng chỉ lác đác. Nhiều nơi còn cho biết, do mưa lũ, thiên tai nên đã sụt giảm nghiêm trọng sản lượng các loại nguyên liệu nông sản trồng dùng để làm mứt bí, cà chua, hạt sen,… nên khả năng cận Tết mới có hàng. Không riêng nguồn bánh kẹo, mứt sản xuất trong nước, mà ngay cả các loại bánh kẹo mứt ngoại nhập, hiện các mối vẫn chưa thấy chào hàng cho tiểu thương. 

“Tiểu thương giờ cũng ngồi chơi không, sắp tới cũng chỉ nhập hàng đủ bán Tết chứ không dám dự trữ nhiều như trước. Bởi, dịch vẫn chưa qua, người dân còn khổ vì ảnh hưởng mưa bão, nên sợ họ không còn mua sắm Tết nhiều như trước”, bà Liên nói.

Nhiều tiểu thương cho biết, dự đoán sức mua trên thị trường Tết năm nay sẽ giảm nên họ chỉ dám đầu tư, dự trữ nguồn hàng chỉ bằng 50% so với mùa Tết năm ngoái. Ông Nguyễn Thanh Huy, cơ sở chuyên sản xuất các loại mứt trái cây (quận Tân Phú) cho biết, mọi năm cơ sở ông đầu tư khoảng 1- 1,2 tỷ đồng để mua các loại trái cây nguyên liệu: Khóm, hồng, mít, xoài, mãng cầu, me... để làm mứt và trái cây sấy, giao hàng đi các tỉnh. Thường mọi năm, thời điểm này là đã chốt hết đơn hàng, nhưng cho đến giờ này vẫn chưa thấy đơn hàng nào. “Vì chưa có đơn hàng nên chúng tôi chưa có kế hoạch để dự trữ trước nguồn nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, để tránh bị động chúng tôi cũng chỉ dám đặt mua trước nguyên liệu 400- 500 triệu đồng, bán tới đâu sản xuất tới đó chứ không dám trữ sẵn, “ôm” hàng. 

Vì tình hình hiện nay sức mua rất khó đoán”, ông Huy cho biết. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food lo ngại: “Không biết tình hình dịch COVID -19 đã ổn chưa? Nếu làm ra sản phẩm mà bán không hết thì rất nguy hiểm”. 

Theo bà Lâm, năm nay công ty không chuẩn bị hàng Tết rầm rộ như mọi năm, chỉ tập trung sản xuất những mặt hàng truyền thống (thủy hải sản đông lạnh, cháo tươi), còn bánh chưng thì số lượng ít hơn năm ngoái. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng (NTD) thay đổi, họ chuyển sang mua hàng qua mạng nhiều kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nên công ty vẫn duy trì và đẩy mạnh hình thức kinh doanh này.

Trong khi tiểu thương ở các chợ truyền thống, các cơ sở sản xuất nhỏ, kể cả một số DN lớn khá dè dặt trong việc dự trữ nguồn hàng thì Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để ổn định thị trường, tạo sự yên tâm cho NTD, Sở đã xây dựng xong kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực,thực phẩm thiết yếu Tết Tân Sửu 2021. Theo đó, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho NTD TP Hồ Chí Minh chủ yếu từ 3 nguồn: DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm từ30% - 40% thị phần), các chợ đầu mối (chiếm 60% - 70%) và các DN khác (chiếm 10% - 20%). 

Cụ thể, các DN đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết là 19.679,7 tỉ đồng (tăng 3,43% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020). Trong đó, hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.425,6 tỉ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỉ đồng. 

Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22% - 54,5% nhu cầu thị trường như: Thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (chiếm 47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (chiếm 28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (chiếm 21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)... 

Tại chợ đầu mối, dự kiến thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 -16.000 tấn/ngày. Hiện, các DN đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng Tết. Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng trước Tết và tháng sau Tết; đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa để chủ động phối hợp DN có kế hoạch bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát. Sở cũng sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường, cơ quan địa phương để kiểm tra, kiểm soát thị trường.

T.Hà - N.Cẩm
.
.
.