“Ông lớn” nhập cuộc tăng lãi suất: Liệu có hình thành mặt bằng mới?

Chủ Nhật, 08/11/2015, 19:20
Sau 3 tháng chạy roda tăng lãi suất ở các ngân hàng (NH) nhỏ, mới đây, thị trường đã xuất hiện “ông lớn” nhập cuộc tăng lãi suất huy động. Người gửi tiền vui mừng, kẻ đi vay lo lắng. Liệu nền kinh tế có tiếp tục chịu áp lực của đợt tăng lãi suất mới?

Béo người gửi tiền

Chỉ trong vòng 1 tuần, NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND. Lần điều chỉnh thứ nhất là tăng thêm 0,2% cho các kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng. Ở lần điều chỉnh thứ 2, NH này tiếp tục điều chỉnh tăng với mức 0,2% cho các kỳ hạn ngắn hơn. Theo đó, lãi suất tiền gửi thông thường, lĩnh lãi cuối kỳ, loại tiền VND được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng, với lãi suất mới là 5,4% (lãi suất cũ là 5,2%).

Một nhà băng khác, NHTMCP Đông Á (DongA Bank) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm VND cho các kỳ hạn trên 3 tháng, với mức tăng cao nhất lên tới 0,5%, từ ngày 28-10.

Cụ thể, lãi suất huy động tiết kiệm VND kỳ hạn 3 đến 5 tháng tăng lên 5,2%/năm. Kỳ hạn 6 – 8 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 9 – 11 tháng là  6,2%/năm. Đối với các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và trên 18 tháng lần lượt là 7,0%/năm, 7,1%/năm và 7,2%/năm. Hay một NH khác là NH TMCP Kỹ Thương (Techcombank) cũng vừa đưa ra biểu lãi suất huy động tiết kiệm mới, trong đó lãi suất huy động các kỳ hạn tuần giảm từ 0,1 – 0,4%/năm, song lãi suất huy động các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên được điều chỉnh tăng khá mạnh, từ 0,1-0,4%.

Trước đó, từ đầu tháng 9, câu chuyện các nhà băng rục rịch tăng lãi suất đã hâm nóng thị trường NH. Một loạt cái tên như VPBank, Sacombank, SCB, VIB… đều được điểm danh trong “list” tăng lãi suất. Tuy nhiên, lúc đó, mọi nhận định đều cho rằng nó không đáng quan ngại, vì việc tăng lãi suất chỉ diễn ra ở những nhà băng nhỏ lẻ, còn các “đại gia” vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Tuy nhiên, sang lần này, trong cuộc đua tăng lãi suất, đã đã có sự tham gia một “ông lớn” thuộc khối NHTM nhà nước: Vietinbank. Biểu lãi suất của nhà băng này đã tăng từ 0,2-0,5%/năm, tập trung ở các kỳ hạn ngắn, đưa lãi suất ở nhà băng này lên cao hơn hẳn so với Vietcombank và BIDV. Ở các kỳ hạn khác, mức lãi suất huy động của VietinBank hiện cũng đã cao hơn khoảng 0,2-0,5%/năm so với các NH trong nhóm cạnh tranh nói trên. Đặc biệt, ở kỳ hạn trên 36 tháng, VietinBank áp mức cao nhất là 7%/năm, còn tại Vietcombank và BIDV chỉ 6,2% và 6,3%/năm.

Trước động thái này của Vietinbank, nhiều lo ngại cho rằng lãi suất của nhà băng này đã tạo khoảng cách cạnh tranh hơn so với các “ông lớn” khác, nên có thể sẽ khiến các NH lớn khác cân nhắc cùng nhập cuộc thời gian tới. Với người gửi tiền, đây thực sự là một tin vui, vì trong khi các kênh đầu tư khác đầy rủi ro, thì kênh gửi tiết kiệm NH lại khởi sắc ngoài mong đợi.

So với mức lạm phát hiện nay, lãi suất thực tiền gửi tiết kiệm đang ở mức rất cao, từ 5,22% - 6,21%/năm. “Với mức lạm phát như hiện nay, kể cả khi các nhà băng chưa tăng lãi suất, người gửi tiền đã rất có lợi. Thế nên, lãi suất càng dâng sóng, thì lãi gửi tiền sẽ càng cao” chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.

Lãi suất tăng cao giúp người gửi tiền có lợi hơn.

Ốm kẻ đi vay

Tăng lãi suất, lý do mà các nhà băng đưa ra là chuẩn bị nguồn vốn cho giai đoạn cuối năm, khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân đều tăng mạnh. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng việc lãi suất dâng sóng cho thấy thị trường NH lại xảy ra vấn đề thanh khoản cuối năm.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, trong khi lãi suất tiết kiệm lại tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế: các dòng vốn thay vì tìm kiếm dự án đầu tư, lại chảy vào NH để hưởng lợi tức cao, với rủi ro gần như bằng không. Lãi suất đầu vào cao, tất yếu sẽ kéo theo lãi suất đầu ra cao, trong khi các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn kép: tỷ suất sinh lợi trong hoạt động kinh doanh vốn ở mức thấp, cộng thêm chi phí lãi vay (lãi suất thực) rất cao.

Điều này sẽ không khuyến khích hoạt động đầu tư, đặc biệt là từ khu vực tư nhân. Hệ quả là, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, và đẩy gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng sang khu vực đầu tư công- vốn đã kém hiệu quả, trong khi dư địa để mở rộng đầu tư công gần như không còn do tỷ lệ thâm hụt ngân sách lẫn nợ công đều đang ở mức cao.

Tuy nhiên, nhìn một cách lạc quan, theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc một số NH điều chỉnh tăng lãi suất huy động phần nhiều do tăng trưởng tín dụng hiện nhanh hơn tăng trưởng huy động, và có xu hướng tăng tốc vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ.

Các chuyên gia của VCBS dự báo sẽ khó có cuộc chạy đua lãi suất trên quy mô toàn hệ thống. Đồng quan điểm, khi dự báo về tình hình lãi suất trong năm nay, Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, có một số nhân tố gây sức ép tăng lãi suất như tăng trưởng tín dụng tăng, nhu cầu huy động trái phiếu Chính phủ lớn.

Tuy nhiên, lạm phát ở mức thấp trong năm 2015 là đối trọng. Do đó, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức lãi suất thấp hợp lý trong năm 2015. Trong khi đó, các chuyên gia NH HSBC lại cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ hơn, và tiền lương có thể tăng, sẽ thiết lập trạng thái tăng lạm phát cơ bản vào năm 2016.

“Cho đến thời điểm này, lạm phát thấp và triển vọng thuận lợi đối với giá cả năng lượng toàn cầu sẽ cho phép NHNN giữ lãi suất ổn định. Nhưng một khi áp lực giá cả tăng lên trong năm tới, chúng tôi cho rằng NHNN có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5% như hiện nay lên 5,5%”- báo cáo nhận định.

Lệ Thúy
.
.
.