Xếp hạng hướng dẫn viên du lịch:

Liệu có chấn chỉnh được tình trạng lộn xộn trong du lịch Việt ?

Chủ Nhật, 07/10/2018, 13:55
Để góp phần quản lý chặt chẽ hơn, chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong hoạt động của hướng dẫn viên, từ ngày 22-10, Hiệp hội Du lịch Việt Nam bắt đầu triển khai xếp hạng hướng dẫn viên du lịch.

Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam liên tục tăng cao trong khi hướng dẫn viên chưa đáp ứng được về cả số lượng lẫn chất lượng. Tình trạng này tồn tại đã lâu khiến hình ảnh du lịch Việt bị ảnh hưởng, thậm chí, nhiều trường hợp trở nên “méo mó” trong mắt du khách. 

Để góp phần quản lý chặt chẽ hơn, chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong hoạt động của hướng dẫn viên, từ ngày 22-10, Hiệp hội Du lịch Việt Nam bắt đầu triển khai xếp hạng hướng dẫn viên du lịch. Nhưng, liệu hoạt động này có đạt được mục tiêu như kỳ vọng?

Xếp hạng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án “Tăng cường năng lực cho Hiệp hội Du lịch Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ. Đây là đề án góp phần phát triển cơ chế đối tác công – tư mạnh mẽ. Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý và phân loại hướng dẫn viên du lịch, xây dựng quy chế phân loại và xếp hạng hướng dẫn viên phù hợp với Luật Du lịch mới.

Theo kế hoạch dự kiến, hoạt động đánh giá xếp hạng hướng dẫn viên du lịch sẽ bắt đầu được triển khai tại TP Hồ Chí Minh, sau đó là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lào Cai. Các hướng dẫn viên sẽ được xếp hạng 5 sao, 4 sao, 3 sao tùy theo trình độ, kinh nghiệm. 

Chứng chỉ này sẽ được ghi rõ trên thẻ hành nghề của từng người. Hướng dẫn viên chưa xếp hạng, chưa có chứng chỉ cũng sẽ ghi rõ trên thẻ hành nghề. Dự kiến, đánh giá xếp hạng thực hiên 5 năm/1 lần. Trong thời gian này, nếu hướng dẫn viên bị doanh nghiệp, du khách phản hồi không tốt, hội đồng sẽ hạ sao.

Việc xếp hạng chất lượng được kỳ vọng sẽ tăng cường quản lý, phân loại hướng dẫn viên, xây dựng hình ảnh đẹp hơn cho du lịch Việt.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, việc xếp hạng hướng dẫn viên mới thực hiện lần đầu tại Việt Nam nhưng các nước phát triển đã thực hiện từ lâu. Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng hơn 20.000 hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế, hơn 5.000 hướng dẫn viên đang hành nghề tại các điểm du lịch. Nhưng, hầu hết trong số họ là hướng dẫn viên hoạt động tự do, khó quản lý. 

Lâu nay, các đơn vị hoạt động du lịch tìm nguồn hướng dẫn viên và sử dụng hướng dẫn viên theo quan hệ quen biết, kinh nghiệm nhiều năm tổ chức, điều hành các tour và đánh giá chất lượng hướng dẫn viên theo kiểu mạnh ai người ấy làm. 

Việc không có tiêu chí chung để đánh giá chất lượng hướng dẫn viên không có lợi cho cả đơn vị sử dụng lao động lẫn người lao động. Xếp hạng hướng dẫn viên sẽ giúp các đơn vị du lịch có cơ sở để đánh giá chính xác hơn chất lượng của người lao động khi tuyển chọn. Ngược lại, người làm nghề có chứng chỉ đảm bảo trình độ, nghề nghiệp cho mình.

Bày tỏ sự ủng hộ với đề án bà Đỗ Hồng Anh, Quản lý hướng dẫn viên của Công ty Hà Nội Redtours cho hay, việc xếp hạng sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở ban đầu để đánh giá chất lượng hướng dẫn viên. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ sở đầu tiên. 

Trong thực tế, doanh nghiệp sử dụng hướng dẫn viên phải rất linh hoạt, dựa nhiều vào kinh nghiệm để cảm nhận, đánh giá khi tiếp xúc trực tiếp. Việc xếp hạng, nâng hay hạ dựa vào phản hồi của khách và doanh nghiệp song lâu nay, nếu có sự cố xảy ra, ít doanh nghiệp muốn làm lớn chuyện vì sợ sẽ ảnh hưởng không tốt cho uy tín của mình.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet cũng chia sẻ rằng, trong hoạt động du lịch, các đơn vị lữ hành không thể chỉ dựa vào chứng chỉ, bằng cấp. Các doanh nghiệp đều cố gắng xây dựng các tiêu chuẩn, mạng lưới hướng dẫn viên riêng nhưng hướng dẫn viên chuyên nghiệp thực sự rất thiếu. 

Họ hoạt động tự do, khó kiểm soát và quản lý, từng khiến nhiều đơn vị lâm vào tình huống dở khóc, dở cười. Vào những mùa du lịch cao điểm, tình trạng này liên tục tái diễn. Dù các doanh nghiệp đều có phương án dự phòng nhất định song nhiều trường hợp trở tay không kịp. 

Như mùa du lịch hè 2018, TransViet tổ chức một đoàn khách du lịch nước ngoài. Phút cuối, hướng dẫn viên lăn ra ốm. Cậu này giới thiệu một người bạn khác có kinh nghiệm lâu năm, có uy tín. Lãnh đạo công ty rất yên tâm. Ngày lên đường, công ty đưa khách đến sân bay trước 2h khởi hành theo đúng quy định nhưng đoàn đợi mãi không thấy hướng dẫn viên. Người này lại cầm toàn bộ visa của đoàn. 

Đúng 10 phút trước khi bay, anh ta mới hớt hải chạy tới. Thì ra anh tranh thủ nhận 2 show cùng lúc. Trước chuyến bay, anh nhận đón 1 đoàn khách vào ga nội địa. Không may hôm ấy chuyến bay đến bị hoãn nhiều giờ. Khi xử lý xong công việc bên công ty của anh thì đoàn khách bên Trans Viet cũng bị lỡ chuyến. Công ty phải mất hơn 200 triệu đồng để mua vé máy bay mới. Đến nay, dù Trans Viet đã hỗ trợ tối đa nhưng hướng dẫn viên này vẫn chưa thể bồi thường được thiệt hại... 

Có những trường hợp, rõ ràng lý lịch của hướng dẫn viên rất tốt, nhưng trong quá trình thực hiện công việc mới phát hiện họ thiếu cẩn thận. Kỹ năng này, không sách vở nào dạy được. Quy trình của doanh nghiệp cũng đầy đủ nhưng có trường hợp, hướng dẫn viên chỉ sơ sểnh một chút, kiểm tra không kỹ giờ bay đã khiến cả đoàn khách bị muộn. 

Khi đưa khách đi tour, suốt hành trình đều phụ thuộc vào sự tự giác của người hướng dẫn. Nếu họ là người có kinh nghiệm mà thiếu đạo đức thì sẽ tự cắt bớt lộ trình, móc ngoặc với các cơ sở mua sắm, đưa khách đến, dụ dỗ mua hàng để nhận hoa hồng… Những vấn đề này, nếu chỉ dựa vào các tiêu chí nặng tính lý thuyết trong xếp hạng hướng dẫn viên thì doanh nghiệp khó yên tâm.

Ngọc Nguyễn
.
.
.