Lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc: Cần có chế tài xử lý mạnh

Thứ Hai, 24/06/2019, 09:06
Thị trường lao động Hàn Quốc (theo chương trình EPS) hiện đang phụ thuộc rất lớn vào việc Việt Nam sẽ phải giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn. Thời gian qua, cơ quan chức năng Việt Nam dù đã triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, ký quỹ, dừng tiếp nhận ở những địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao…, nhưng hiệu quả đến nay vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị này thời gian tới.

Bỏ trốn vì chênh lệch thu nhập quá lớn

Tham gia chương trình EPS sang Hàn Quốc làm việc, anh Vũ Ngọc Hoàng (Lương Tài, Bắc Ninh) về nước năm 2018 sau khi hoàn thành 3 năm hợp đồng. Dù đã tham gia vào 2 lần hội chợ việc làm dành riêng cho lao động theo chương trình EPS về nước tại Hà Nội và Bắc Ninh, đến nay anh Hoàng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp với trình độ, chuyên môn ngành hàn tiện đã được đào tạo. Một trong những lý do khiến anh Hoàng chưa đồng ý làm việc ở một chỗ nào là vì dù đã có tay nghề và trình độ ngoại ngữ khá ổn, nhưng những lao động mới về nước như anh được trả mức lương khá thấp.

“Từ ngày về nước, tôi đã đi làm khá nhiều nơi nhưng vẫn không thấy phù hợp nên lại xin nghỉ. Khi làm việc ở Hàn Quốc, tay nghề như chúng tôi có mức thu nhập khoảng 30- 35 triệu đồng/tháng. Trong khi về Việt Nam, các công ty chỉ đồng ý trả mức khởi đầu 5- 6 triệu đồng/tháng, chưa bằng một nửa mức lương đề nghị”, anh Hoàng nói. Theo anh Hoàng, đây chính là một trong những lý do khiến nhiều lao động Việt Nam sau khi hoàn thành hợp đồng lao động ở Hàn Quốc thường bỏ trốn ở lại để ra ngoài làm vì thu nhập cao gấp nhiều lần ở Việt Nam.

Câu chuyện của anh Hoàng cho thấy, đa số lao động Việt Nam khi sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS chỉ muốn đi mà không muốn về. Anh Nguyễn Ngọc Hưng (thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định), một trong những lao động theo chương trình EPS vừa về nước chia sẻ, mức lương cơ bản của một lao động đi theo chương trình EPS hiện khoảng 1.500 USD/tháng.

Theo anh Hưng, để được đi theo chương trình EPS, người lao động phải học nghề, học tiếng Hàn và trải qua các kỳ thi sát hạch rất khó khăn, rồi xếp hồ sơ chờ đợi. Tuy nhiên, khi được tuyển thì chỉ được làm việc tại Hàn Quốc 4 năm 10 tháng. “Thời gian này chưa đủ tích lũy tiền bạc và kiến thức nên hầu hết lao động không muốn về nước đúng hạn. Chưa kể có sự chênh lệch khá cao giữa thu nhập trong nước và Hàn Quốc. Về Việt Nam thì cơ hội tìm việc khó khăn…”, anh Hưng chia sẻ.

Cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam sang Hàn Quốc phụ thuộc rất lớn vào việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn.

Chuyện không mới nhưng vẫn rất nóng

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước vẫn trên 40%, cao hơn rất nhiều nước có lao động phái cử sang Hàn Quốc làm việc. Con số này cho thấy mục tiêu giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn theo yêu cầu từ phía Hàn Quốc là điều rất khó.

Trong biên bản, phía Hàn Quốc đã đưa ra một điều kiện, nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết (cam kết 30%) thì sẽ dừng chuyện đưa lao động Việt Nam sang tiếp. Có thể nói, việc ký kết văn bản trên giữa hai bên đã làm tổn hao không ít công sức đàm phán nhưng hiện đang có nguy cơ mất trắng nếu như chúng ta không đảm bảo tỷ lệ lao động bỏ trốn như thỏa thuận.

Theo thông báo từ phía Hàn Quốc, hiện họ đang tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia phái cử lao động tới làm việc. Các nước này đều có lao động bỏ trốn nhưng tỷ lệ bỏ trốn trung bình của họ chỉ nằm trong khoảng 8-9%. Nước nhiều nhất cũng chỉ chiếm 15-16%.

Tháng 7 tới, kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn 3.600 lao động Việt Nam đi Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS chuẩn bị được diễn ra, thế nhưng nhắc tới câu chuyện lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc, theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước thì đây là câu chuyện không còn mới nhưng vẫn rất đang “nóng”.

Theo bà Lan, ngoài quy định xử lý đối với lao động cư trú bất hợp pháp, hiện phía Hàn Quốc cũng đã có chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp với mức phạt 20 triệu won (tương đương 20 nghìn USD). Theo bà Lan, các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi với phía Hàn Quốc để tìm giải pháp, cụ thể đã thực hiện giải pháp truy quét lao động bỏ trốn, ân hạn cho lao động bỏ trốn về nước.

Thực hiện đặc cách cho lao động quay về nước đúng hạn có thể quay lại Hàn Quốc làm việc, tuy nhiên có nhiều giải pháp đưa ra không thực hiện được trong thực tế do vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật, hoặc thực hiện nhưng hiệu quả không cao.

Đề cập đến câu chuyện lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền, vận động lao động tại nhiều tỉnh, thành chưa quyết liệt, chưa hiệu quả.

“Đây chính là lý do khiến tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vẫn đang rất cao. Cùng với đó là chế tài xử lý lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe chủ sử dụng lao động Hàn Quốc và người lao động Việt Nam. Trong khi đó, cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước đối với người lao động trở về còn gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch về thu nhập giữa việc làm trong nước và Hàn Quốc quá cao khiến nhiều lao động tìm cách trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc... Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao tại Hàn Quốc hiện nay”, ông Liêm phân tích.

Phan Hoạt
.
.
.