Chuyện người quản lý

Lạm phát tiếp tục xu hướng tăng

Chủ Nhật, 12/06/2016, 08:46
Đây là nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) tại báo cáo về tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Theo đó, UBGSTCQG cho rằng lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản tiếp tục xu hướng tăng từ tháng 11-2015 tới nay


Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2016 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 2,28% so với cùng kỳ và tăng 1,88% so với đầu năm. Nguyên nhân CPI tháng 5 tăng chủ yếu do tăng giá các nhóm hàng: giao thông (2,39%); nhà ở, vật liệu xây dựng (0,88%); lương thực (0,68%). 

Tuy nhiên, chủ yếu do xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm và điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Tăng giá lương thực, thực phẩm là do hạn hán, thiên thai tác động đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, lạm phát cơ bản (chỉ tiêu phản ánh sát hơn ổn định kinh tế vĩ mô) vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 2% từ đầu năm đến nay”.

Theo thống kê đến tháng 5-2016, trong các nhóm hàng đóng góp vào sự gia tăng của lạm phát: lương thực đã có 4 lần tăng; thực phẩm tăng mạnh vào tháng 2-2016, giảm nhẹ vào tháng 3-2016 và tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 5-2016;  giáo dục tăng 2 lần; giao thông tăng 2 lần, giảm 3 lần; nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và nhóm y tế tăng 1 lần, trong đó nhóm y tế tăng rất mạnh vào tháng 3-2016 (tăng 24,34% so với tháng trước và tăng 26,44% so với tháng 3-2015).

Cũng theo UBGSTCQG, cung và cầu của nền kinh tế dù tiếp tục có mức cải thiện thấp hơn so với cùng kỳ, song vẫn giữ được gia tốc ổn định. 5 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,5% so với cùng kỳ, mặc dù thấp hơn mức tăng 9,2% của cùng kỳ 2015, nhưng đã có sự cải thiện so với 4 tháng đầu năm (4 tháng đầu năm 2016 tăng 7,3%).

Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa nhiều cải thiện. Cụ thể: trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán của UBGSTCQG, tổng kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2016 giảm chủ yếu do giá nhập khẩu giảm. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu 1,36 tỷ USD (cùng kỳ năm 2015 nhập siêu gần 3 tỷ USD).

Riêng về thu ngân sách, dù vẫn đạt thấp do giá dầu giảm, song UBGSTCQG lạc quan cho rằng thu từ dầu sẽ được cải thiện trong thời gian tới do giá dầu đang có dấu hiệu tăng khá mạnh. Tổng chi NSNN đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn còn chậm: tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản chỉ đạt 26,6% dự toán (thấp hơn so với 35,1% cùng kỳ 2015), tiến độ thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 21% (so với 27,8% cùng kỳ năm trước).

Về thị trường tiền tệ - ngân hàng, UBGSTCQG nhận định thanh khoản của hệ thống ngân hàng tháng 5-2016 khá dồi dào, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do vẫn được giữ ổn định trong biên độ trên của tỷ giá trung tâm. 

Ngoài ra, UBGSTCQG cũng cho biết, nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ đang tăng lên, biểu hiện vốn huy động thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng 5 tăng 51% so với tháng 4 và giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 5 tăng 81% so với tháng 4, lãi suất kỳ hạn từ 5 năm trở xuống giảm từ 0,14 đến 0,22 điểm % so với tháng 4...

Lệ Thúy
.
.
.