Lãi suất USD đi xuống, tiền đồng đi lên, ai được lợi?

Thứ Tư, 23/12/2015, 08:14
Trong khi lãi suất USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm về 0% thì lãi suất Việt Nam đồng (VNĐ) đang được các ngân hàng thương mại tăng ở hầu hết các kỳ hạn.

Sau quyết định tăng lãi suất USD của Fed, NHNN đã ra quyết định hạ lãi suất USD từ 0,25% xuống 0% đối với cả những cá nhân có tiền gửi, thay cho quy định trước đó là lãi suất 0% chỉ áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp. 

NHNN cho biết, cung - cầu ngoại tệ vẫn khá tốt và việc tỷ giá USD/VNĐ những ngày vừa qua tại các NHTM tăng lên kịch trần chỉ là yếu tố tâm lý. Bởi vậy, việc đưa lãi suất USD về 0% là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ; chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ. 

Một số chuyên gia cho rằng, việc giảm trần lãi suất tiền gửi USD, NHNN đã cùng một lúc đạt được hai mục tiêu trong điều hành tỷ giá những tháng cuối năm 2015. 

Một mặt, NHNN đã làm giảm sự hấp dẫn của việc nắm giữ đồng USD của các nhà đầu tư, góp phần tăng USD vào lưu thông trên thị trường ngoại hối, giảm tình trạng găm giữ USD trên thị trường, giảm hoạt động đầu cơ. Áp lực phải dùng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng lên NHNN sẽ được giảm bớt. 

Mặt khác, quyết định này còn tạo điều kiện cho các NHTM và NHNN tăng dự trữ ngoại tệ và ổn định thanh khoản đồng USD trên thị trường ngoại hối trong những tháng cuối năm 2015. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, NHNN có thể “mạnh tay” hơn nữa bằng cách đẩy lãi suất xuống mức âm, tức là gửi USD vào ngân hàng nhờ giữ hộ thì sẽ phải trả phí. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng đây là điều mà mọi người không mong đợi, vì nó sẽ tạo sự bất an trong công chúng.

Gửi tiền Việt Nam đồng vào ngân hàng vẫn có lợi.

Thực tế, động tác này của NHNN đã có những hiệu ứng bước đầu khi tại một số ngân hàng, lượng khách giao dịch có dấu hiệu nhích lên ở chiều bán ra. 

Tuy nhiên, một giao dịch viên cho biết, con số tăng này cũng không đáng kể, vì với khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp thì lãi suất USD bằng 0% đã được áp dụng từ trước đó, hơn nữa đang vào đợt cao điểm thanh toán nên không những không bán ra, mà doanh nghiệp còn tìm cách mua vào. 

Còn với những khách hàng cá nhân, lác đác một số người đã đến đề nghị được rút tiền USD, song số tiền rút không nhiều và lý do chủ yếu cũng để phục vụ nhu cầu chi tiêu cuối năm.

Tại thị trường tự do, quan sát tại một số cửa hàng mua, bán ngoại tệ tại phố Hà Trung (Hà Nội) cho thấy, lượng người đến giao dịch đông hơn trước. Có thể nhiều người còn nắm giữ chút USD, thấy giá cao thì đem bán, hoặc thấy gửi tại ngân hàng không được hưởng lãi suất nữa thì đem bán để chuyển sang gửi VNĐ. 

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với lạm phát 2% thì rõ ràng gửi tiết kiệm VNĐ kỳ dài hạn từ 6,5%-7,2%, người gửi tiền vẫn được hưởng chênh lệch tới 4-5%. 

Nhìn dài hạn hơn, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nếu như tỷ giá năm 2016 tăng không quá 5% thì so với lãi suất tiền gửi VNĐ như hiện tại, gửi tiết kiệm VNĐ vẫn có lợi.

Từ phía các ngân hàng, để thu hút dòng tiền cuối năm, lãi suất huy động đã được nâng lên, trong đó rất nhiều ngân hàng có tên tuổi đã nhập cuộc, đẩy mặt bằng lãi suất tăng nhẹ. Theo đó, các kỳ hạn ngắn tăng từ 0,2-0,5%/năm. 

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Một số ngân hàng còn khuyến khích cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi tiết kiệm trực tuyến so với lãi suất hiện hành. 

Tại Eximbank, ngoài việc tăng lãi suất huy động, ngân hàng này còn khuyến khích tiền gửi VNĐ bằng cách cộng thêm lãi cho khách hàng bán vàng và USD chuyển sang VNĐ và gửi tại ngân hàng với mức thưởng từ 0,1-0,3%/năm tùy theo mức gửi và kỳ hạn gửi.

Ngay cả trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng đã có dấu hiệu tăng. Trong 2 tuần đầu tháng 12-2015, lãi suất liên ngân hàng đã tăng khoảng 0,91-1,3 điểm % ở các kỳ hạn qua đêm đến một tháng. Lãi suất qua đêm tăng từ mức 3,2%/năm lên mức 4,6%/năm, lãi suất một tháng ở mức 4,86%/năm. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng và những dự đoán về lãi suất sẽ tăng vào năm 2016 là có cơ sở. 

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố chuyên đề vĩ mô "Cửa tăng lãi suất vào năm 2016 đang lớn dần - có phải lời đe dọa" đã cho rằng lãi suất của nền kinh tế sẽ có xu hướng nhích nhẹ dần lên từ quý III-2016 đến cuối năm sau, với mức tăng kỳ vọng của lãi suất điều hành đến cuối năm 2016 từ 25-50 điểm phần trăm. 

Trong trường hợp tỷ giá biến động mạnh và gây áp lực lớn lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng, VDSC cho rằng, yếu tố này có thể gián tiếp khiến lãi suất điều hành tăng nhanh và nhiều hơn so với kỳ vọng.

Nhóm P.V
.
.
.