Lãi suất huy động giảm sâu 3%/năm

Thứ Tư, 15/07/2020, 09:00
Thị trường ngân hàng tuần qua đã ghi nhận lãi suất huy động xuống tới mức thấp kỷ lục: 3%/năm. Như vậy, nếu lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như các kịch bản và dự báo đưa ra, thì người gửi tiền vào ngân hàng đang nhận lãi suất âm khoảng 1%.


Lãi suất cho vay vẫn cao

Biểu lãi suất huy động tại Ngân hàng Techcombank cho biết, từ 0h00 ngày 9-7, nhà băng này chỉ trả lãi 3%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng lĩnh lãi trước và kỳ hạn 2 tháng là 3,1%.

Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 tháng lãi suất 3,2%/năm. Nếu trả lãi cuối kỳ, biểu lãi suất dao động từ 3,15 - 3,7%/năm tuỳ thuộc số tiền và các khoản tiền gửi là từ 1 đến 5 tháng. Như vậy, tổng cộng từ ngày 1-7 tới nay Techcombank đã thay bảng lãi suất tới... 5 lần, cũng là ngân hàng điều chỉnh nhiều nhất, và tất cả đều là điều chỉnh giảm.

Theo thống kê chung toàn thị trường từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hiện, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5 - 7,3%/năm.

Ở chiều cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,0%/năm.

Hệ thống ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế.

Lãi suất huy động hạ, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao và điều quan trọng là sức khỏe của nền kinh tế quá yếu nên không hấp thu được vốn. PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định mức lãi suất cho vay thương mại, thậm chí lãi suất cho vay ưu đãi đối với một số đối tượng của các tổ chức tín dụng nói chung, ngân hàng thương mại nói riêng hiện nay còn cao so với tỷ suất lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp (DN) và so với lãi suất cho vay ở một số nước trong khu vực.

Nhưng để hạ được lãi suất cho vay thì không chỉ thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố như vấn đề ổn định vĩ mô, tỷ lệ lạm phát, lãi suất huy động vốn của nền kinh tế, tỷ giá hối đoái, niềm tin của người dân…

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN mong chờ mặt bằng cho vay ở mức 4-5% với tiền đồng và 2-3% với vay USD, nghĩa là mức lãi suất hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN.

“Kích” tín dụng bằng cách nào?

Trở lại với vấn đề hấp thụ vốn của nền kinh tế, mặc dù lãi suất huy động 3% là cá biệt và nó chỉ ghi nhận ở kỳ hạn 1 tháng, nhưng đây là tín hiệu cho thấy thanh khoản của ngân hàng đang quá dồi dào, tăng trưởng huy động cao mà nền kinh tế không thể hấp thụ được vốn.

“Lãi suất liên tục giảm trong thời gian gần đây trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn tương đối dư thừa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,45%. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn vượt xa tăng trưởng tín dụng. Lãi suất liên ngân hàng trên thị trường 2 cũng đang ở mức thấp lịch sử, chỉ khoảng 0,12- 0,15%”, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thông tin.

Thừa nhận bài toán khó không phải chỉ ở lãi suất mà nằm chính ở sức sản xuất kinh doanh của chính DN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đặng Hồng Anh cho rằng nếu không có kế hoạch phát triển công ty, thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính DN và gây ảnh hưởng đến ngân hàng. Bản thân các ngân hàng cũng là DN, nên phải cân nhắc các rủi ro khi giãn nợ hay giảm lãi suất đều tác động đến hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Hiện nay, NHNN đã nới room tín dụng cho một số nhà băng để bơm vốn ra nền kinh tế, song theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, trong thời điểm này, rất khó để tín dụng tăng mạnh trở lại khi thị trường xuất nhập khẩu vẫn bị đóng băng, chuỗi cung ứng bị cắt đứt. Vì vậy, để “kích” tín dụng, ngân hàng phải hướng mạnh vào các DN phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt các lĩnh vực như: Du lịch, thương mại, dịch vụ, DN sản xuất hàng thiết yếu… Sau đó, tùy mức độ mở cửa thị trường đến đâu mà mở rộng phân khúc khách hàng đến đó.

Từ phía cơ quan điều hành, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

“NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc nhấn mạnh.

Hà An
.
.
.