Khuyến mãi hàng tăng 100%, ai được hưởng lợi?

Thứ Bảy, 02/06/2018, 08:45
Nghị định 81/2018/NĐ-CP vừa ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 15-7 cho phép doanh nghiệp (DN) thực hiện khuyến mãi, giảm giá lên đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, thay vì mức trần 50% như trước đây. Các chuyên gia, DN cho rằng, quy định về mức trần khuyến mãi, giảm giá hiện nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường.


Theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP, DN tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung thì được khuyến mãi, giảm giá 100% giá trị của hàng hóa, dịch vụ thay vì 50% như trước đây. 

Tuy nhiên, các chương trình này phải do cơ quan Nhà nước chủ trì tổ chức trong một khoảng thời gian xác định (theo giờ, ngày, tuần, tháng…) nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của quốc gia hoặc địa phương. 

Bên cạnh đó, hạn mức khuyến mãi 100% này còn được áp dụng với hàng hóa trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định và các đợt khuyến mãi trong thời gian nghỉ lễ, Tết. Ngoài các trường hợp nêu trên, mức khuyến mãi, giảm giá vẫn không được vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ ngay trước thời gian khuyến mãi.

Hàng khuyến mãi trong siêu thị thu hút người tiêu dùng do DN khuyến mãi đúng.

Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, Nghị định mới không có tác động nhiều đối với hoạt động khuyến mãi, giảm giá của các DN so với trước đây. 

Giám đốc một DN sản xuất thực phẩm cho rằng, xét đặc thù một số ngành (như thực phẩm, quần áo giày dép thời trang, công nghệ thông tin...), có những thời điểm DN phải xả hàng tồn kho, bán ra bằng hoặc dưới giá thành sản xuất để kịp thu hồi vốn, xoay đợt hàng mới. Bởi vì, thực phẩm gần hết hạn sử dụng, buộc phải xả hàng nhanh. Hàng thời trang, công nghệ thông tin thì mẫu mã, sản phẩm, thay đổi liên tục, DN không thể “ôm” hàng lỗi mốt nên buộc phải đẩy nhanh bằng mọi giá. Những đợt xả hàng như vậy thì thường phải khuyến mãi, giảm giá mạnh. 

“Quy định khuyến mãi không vượt quá 50% như hiện nay thật sự đã gây cản trở cho các DN. Nếu được, nên để cho DN tự quyết định mức giảm giá, khuyến mãi sao cho hiệu quả, miễn đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng”, chủ DN này đề nghị.

Thực tế đối với những DN mới kinh doanh, để tiếp cận được nhiều khách hàng, DN thường chọn hình thức khuếch trương khuyến mãi thay vì quảng cáo tốn quá nhiều chi phí. Vì vậy, việc cấm khuyến mãi quá 50% gây khó khăn cho DN mới gia nhập thị trường. 

Chính vì bị “rào cản” bởi quy định trần khuyến mãi, nên thời gian qua, các DN đã “lách” các chương trình khuyến mãi bằng các hình thức như: Mua 1 tặng 1, giảm giá 50% kèm theo quà tặng, giảm giá 50% tặng kèm phiếu mua hàng, mua hàng giảm giá được trúng thưởng, … Cộng lại, tổng mức giảm giá, khuyến mãi thực tế cao hơn mức trần quy định 50%. 

Vì vậy, với hạn mức khuyến mãi giảm giá tối đa chỉ 50% hiện nay là thiếu thực tế, kìm hãm DN trong việc giải phóng hàng tồn kho, đặc biệt vào những thời điểm mãi lực mua sắm yếu. Với Nghị định mới này, nhiều DN cho rằng DN vẫn chưa thật sự được “cởi trói” khi mức trần khuyến mãi 50% cơ bản vẫn chưa được dỡ bỏ.

Về phía người tiêu dùng (NTD), khi đón nhận thông tin sắp tới sẽ được mua hàng khuyến mãi đến 100%, nhiều người tỏ ra hoài nghi vì thực tế khuyến mãi hiện nay trên thị trường đang muôn màu muôn vẻ. Để bán được hàng, có những DN cố tình nâng giá gốc sản phẩm, rồi sau đó giảm giá đến 45-50% và giá sau khi giảm vẫn bằng giá gốc. Hoặc có những DN đưa ra những sản phẩm khuyến mãi là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Nhận định về hoạt động khuyến mãi của DN, Luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh cho rằng: 

“Các chương trình khuyến mãi chủ yếu là có lợi cho DN (đẩy hàng tồn, thu hồi vốn nhanh...), còn NTD được hưởng lợi bao nhiêu từ khuyến mãi còn tùy thuộc vào DN đó có thực hiện đúng các quy định về khuyến mãi hay không. Vì vậy, cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các đối tượng dùng chiêu để khuyến mãi ảo, rao một đằng bán một nẻo, nhằm “móc túi” NTD và cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị làm ăn chân chính. NTD cũng cần sáng suốt để đánh giá sản phẩm có khuyến mãi đúng hay không, và NTD hưởng lợi được bao nhiêu, trước khi quyết định mua”.

“TP Hồ Chí Minh có đặc thù riêng nên nếu áp dụng Nghị định 81 giống như các tỉnh sẽ rất khó. Trung bình mỗi ngày, Sở Công Thương tiếp nhận, xử lý 300 – 400 hồ sơ, trong khi nhân sự ít. Trong 5 tháng đầu năm 2018, ước tính có khoảng 32.000 hồ sơ thủ tục hành chính khuyến mãi từ các DN được duyệt qua cổng thông tin trực tuyến. Thủ tục đăng ký hồ sơ thông báo được gửi đến Sở nay rút ngắn tối thiểu trước 3 ngày làm việc (trước khi thực hiện khuyến mãi) thay cho 7 ngày làm việc trước đây nên càng khó khăn hơn. Vì vậy, chúng tôi cần phải có thời gian nâng cấp phần mềm điện tử quản lý. Nếu không kiểm soát tốt hoạt động khuyến mãi thì dễ dẫn đến tình trạng “vỡ trận”, khuyến mãi ảo sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi NTD”, ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

T.Hà - N.Cẩm
.
.
.