Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho sau Tết

Thứ Tư, 15/01/2020, 07:24
Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trên thị trường hàng hoá phục vụ Tết đang rất sôi động, hàng hoá đa dạng và phong phú, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Đáng chú ý, các sản phẩm sản xuất trong nước năm nay tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, khẳng định vị thế của hàng Việt trước sự cạnh tranh của bánh kẹo, hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu.


Hàng chục ngàn sản phẩm khuyến mãi kích cầu

Có mặt tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) ngày 14-1, chúng tôi thấy hàng Việt được bán trong siêu thị rất nhiều, từ hàng thực phẩm, thuỷ sản, bánh kẹo, may mặc và đồ tiêu dùng... Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, tại Co.opmart Hà Đông, hàng Việt chiếm tới 97%, các doanh nghiệp, nhà cung cấp hàng hoá cho siêu thị đều được kiểm tra kỹ lưỡng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và an toàn thực phẩm.

Về mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, hiện các DN sản xuất bánh kẹo trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau. Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí xuân.

Trong dịp Tết, Co.opmart Hà Đông có hơn 20.000 mặt hàng chạy chương trình khuyến mãi, từ 5-49%. Ngoài ra, các giỏ quà Tết còn có chiết khấu, để hỗ trợ người tiêu dùng và thúc đẩy mua sắm của người dân. Bà Kim Dung cho biết thêm, công ty đã có kế hoạch và chuẩn bị hàng hoá từ tháng 6-2019, kho lạnh và kho mát của hệ thống ở Bắc Ninh luôn đảm bảo hàng hoá đủ để cung cấp cho thị trường Hà Nội, đặc biệt là quận Hà Đông trong dịp Tết 2020.

Hàng Việt bày bán tại siêu thị Saigon Co.op Hà Đông chiếm tới 97%.

Về mặt hàng thịt lợn, tại siêu thị Saigon Co.op, giá thịt lợn giảm hơn so với bên ngoài khoảng 20.000/kg. Hơn nữa, chất lượng phục vụ với chất lượng tương đối tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, giá bán thịt ba chỉ cắt gọn có giá 165.000 đồng/kg; thịt nạc vai 170.000 đồng/kg; thịt bắp chân giò 160.000 đồng/kg; sườn non 180.000 đồng/kg; thịt nạc vai xay 170.000 đồng/kg; xương ống: 85.000 đồng/kg; xương đuôi 95.000 đồng/kg; móng giò 120.000 đồng/kg… Thịt thăn lợn nhập khẩu 180.000 đồng/kg… Theo bà Dung, giá thịt lợn sẽ được giữ ổn định tới Tết, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp và cam kết không tăng giá bán, đảm bảo cung ứng hàng đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Mạnh tay xử lý hàng giả, hàng nhái

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng cho biết, để chủ động cung ứng hàng hoá dịp Tết, DN đã tăng dự trữ hàng hóa từ 30-50% so với năm trước. Theo đó, các DN bán lẻ đã tính toán và chủ động làm việc với nhà cung cấp nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt tháng cận Tết; đảm bảo bình ổn giá theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội.

Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long Khúc Tiến Hà thông tin, siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%; trong cơ cấu hàng hóa dự trữ có khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà. Đặc biệt, siêu thị cũng chuẩn bị các chương trình “khóa giá” bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái... tổ chức tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của BigC trên địa bàn Hà Nội.

Ở góc độ nhà sản xuất, ông Trịnh Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Hữu Nghị cho rằng, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, Tết năm nay, công ty đưa ra thị trường trên 40 mẫu sản phẩm bánh kẹo mới.

Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, DN không chỉ đầu tư nâng cao chất lượng mà đã thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế bao bì nên sản phẩm của đơn vị không thua kém hàng ngoại nhập cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Trên thị trường bên cạnh các cửa hàng tiện lợi, hàng hoá tại các chợ truyền thống cũng phong phú, giá cả cũng ổn định, không có tình trạng khan hiếm hàng. Về thịt lợn tại các chợ truyền thống, giá cả bắt đầu chững và giảm hơn trước. Thời điểm từ 23 tháng Chạp đổ ra, dự báo nhu cầu sẽ tăng nhưng giá cả cũng không có nhiều biến động.

Để kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với những thực phẩm tươi sống cũng như bánh mứt kẹo trong dịp Tết, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường ra quân và tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát.

Đặc biệt, trong dịp cận Tết này lực lượng Quản lý thị trường cũng đã thực hiện bắt giữ rất nhiều vụ và xử phạt rất mạnh tay. Ngoài góc độ xử phạt hành chính khi có những dấu hiệu rõ ràng thì cần phối hợp với công an để xử lý hình sự. Với biện pháp răn đe, hiện tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh có giảm đi. Hệ thống siêu thị lớn như: Saigon Co.op, Hapro như BigC, AEON có cả một đội ngũ kiểm tra an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.

Dự báo mức tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng hóa với lượng tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho sau Tết.

Thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Người dân ở mọi miền Tổ quốc sẽ có đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đón Tết Nguyên đán, bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
Lưu Hiệp
.
.
.