Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

Chủ Nhật, 21/03/2021, 08:28
Tại Hội thảo Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, để doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển thì trước hết cần phải đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, theo đó các 'luật chơi" được xác định rõ ràng, minh bạch. Việc phân bổ nguồn lực tập trung vào nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách ưu đãi.


Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, hàng loạt quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện. Vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, DN tư nhân cũng đang tạo ra khoảng 43% GDP, 15,4% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% tổng số lao động đang làm việc, đóng góp 8,9% vào tốc độ tăng GDP và 49% vốn đầu tư xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những nút thắt, điểm nghẽn đang tồn tại. Năng suất lao động bình quân của khu vực DN tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực DN Nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ có 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, có một phần xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt là quản lý nhà nước trong phát triển DN tư nhân, tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế. Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch. Tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Để phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Ở góc độ DN tư nhân, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, để thúc được DN tư nhân phát triển trước hết cần phải cải thiện được những nút thắt trong môi trường kinh doanh. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực thi từ năm 2018 đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng của DN. Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng chưa thực sự “ trải thảm” để DN tư nhân, DN nhỏ và vừa phát triển, trong khi đó tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn tiếp diễn. 

Cùng với đó, các văn bản về mặt quy phạm pháp luật giữa các bộ, ngành vẫn còn chồng chéo gây mất thời gian và tốn kém chi phí, nguồn lực cho các DN… Trên thực tế, DN tư nhân muốn phát triển và cạnh tranh được thì các DN tư nhân phải thành DN chủ lực, chỉ có thành DN chủ lực mới dẫn dắt được các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp. Còn DN nhà nước nên là nền tảng bệ đỡ xuyên suốt để DN tư nhân đi theo. 

Vì thế, trong 5 năm tới, các cơ quan quản lý phải thúc đẩy khối này lên bởi kinh tế tư nhân đóng góp GDP rất lớn. Do vậy, trong thời gian tới, hy vọng bên cạnh nghị quyết, chủ trương chính sách về phát triển kinh tế tư nhân thì rất cần có những chương trình hành động hết sức cụ thể theo từng tháng, từng quý và giao trực tiếp cho bộ, ngành để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

Để phát triển được khu vực DN tư nhân, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Phải tạo sự liên kết giữa DN trong nước và quốc tế. Không nên hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu rõ ràng. Về vấn đề này, theo ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho DN trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau. 

Lưu Hiệp
.
.
.