Khơi dậy tiềm năng du lịch những miền di sản

Thứ Hai, 12/06/2017, 08:09
Hướng đi như thế nào để phát triển du lịch miền Trung bền vững mà không rơi vào cảnh làm ăn chụp giật, gây biến dạng, xuống cấp các di sản văn hóa...

Bài 1: Ngăn chặn tình trạng biến du lịch thành “chùm gửi” tại các danh lam, thắng cảnh

Miền Trung đang vào cao điểm của du lịch; các tỉnh, thành phố có nhiều di sản văn hóa, bãi biển đẹp… càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, tạo ra một nguồn thu không nhỏ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.Tuy nhiên, hướng đi như thế nào để phát triển du lịch miền Trung bền vững mà không rơi vào cảnh làm ăn chụp giật, gây biến dạng, xuống cấp các di sản văn hóa...

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy việc đón được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến Quảng Bình là thành công bước đầu của địa phương này. Nhưng, làm sao để “vui lòng khách đến, hài lòng khách đi” lại là một câu chuyện đáng bàn. Bởi vì, bên cạnh việc vừa khai thác du lịch ở các danh lam thắng cảnh, vừa có biện pháp bảo vệ cảnh quan để tránh tình trạng biến du lịch thành “chùm gửi” là bài toán đang đặt ra bức thiết đối với phát triển du lịch ở Quảng Bình.

Điển hình, thời gian gần đây, dư luận xôn xao việc Công ty Oxalis, một doanh nghiệp tư nhân được độc quyền khai thác du lịch ở Sơn Đoòng đã có tờ trình và nhanh chóng được Ban Quản lý vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chấp thuận cho việc triển khai chuẩn bị bắt vít, lắp thang và vạch đường đi trên “Bức tường Việt Nam”, khối nhũ cao 90m có tuổi đời hàng triệu năm ở Sơn Đoòng.

Theo phương án của Oxalis đưa ra: “Bức tường Việt Nam” có chiều cao khoảng 90m. Để vượt bức tường này, Oxalis lắp thang bằng thép không gỉ cho 25m thẳng đứng, 65m còn lại sẽ neo dây để du khách bám vào vượt qua.

Sau đó, du khách sẽ đi bộ trên khối thạch nhũ dài 65m còn lại… Hiện, Cục Di sản văn hóa đã yêu cầu tỉnh Quảng Bình kiểm tra thực tế công trình trong hang Sơn Đoòng, yêu cầu tạm dừng việc Oxalis triển khai và khẩn trương báo cáo Bộ VH,TT&DL về sự việc...

Cùng với đó, ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình liên tục đưa vào nhiều các khu, tuyến, điểm du lịch ở khu vực biển và khu vực Phong Nha Kẻ Bàng như: “Khám phá thung lũng Hamada-hang Trạ Ang”, “Khám phá thiên nhiên rào Thương-hang Én”, “Khám phá động Phong Nha-chiều sâu bí ấn”, “sông Chày – hang Tối”… cũng đang tạo sức ép rất lớn lên các cảnh quan, thiên nhiên nơi đây.

Du khách tham quan tại chùa Thiên Mụ, Cố đô Huế.

Khai thác và bảo tồn một cách hợp lý vẫn đang rất cần được lãnh đạo địa phương này quan tâm, chú trọng.

Theo đánh giá, việc phát triển nhanh về du lịch rừng và biển ở Quảng Bình đưa lại hiệu quả kinh tế thấy rõ cho địa phương và những hộ kinh doanh du lịch.

Song, do phát triển “nóng” nên kinh doanh du lịch ở Quảng Bình hiện có rất nhiều điều đáng xem xét, như: Hầu hết người kinh doanh du lịch nhà hàng, khách sạn, mở tour đều làm “tay ngang” không chuyên sâu, đội ngũ nhân viên phục vụ kinh doanh về du lịch không được đào tạo nên rất lúng túng trong việc tiếp đón du khách và thiếu năng lực tiếp thị hình ảnh du lịch của địa phương.

Kiểu kinh doanh “mạnh ai người ấy làm” nếu không được kịp thời chấn chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng “tranh giành”, “chặt chém” du khách, đồng thời du lịch của địa phương sẽ nhạt nhòa hình ảnh khi thiếu đi nét đặc trưng và sản phẩm du lịch…

Ngay như TP Hội An (Quảng Nam) từ lâu đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch không chỉ trong nước, mà cả quốc tế khi được các tạp chí danh tiếng trên thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn của thế giới; tuy nhiên trong quá trình phát triển, cũng không tránh khỏi tình trạng phát triển du lịch kiểu tự phát, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên.

Cụ thể, rừng dừa nước Cẩm Thanh là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Nơi đây là khu di tích lịch sử cách mạng trọng điểm của TP Hội An. Thế nhưng, việc phát triển du lịch một cách tự phát của các doanh nghiệp du lịch và của các hộ dân ở địa phương đã có những tác động tiêu cực đến rừng dừa.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện có 19 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khu rừng dừa Cẩm Thanh.

Để kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng xâm hại rừng dừa, chính quyền TP Hội An đã chỉ đạo phòng, ban chức năng phối hợp UBND xã Cẩm Thanh tăng cường quản lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Sắp tới, để bảo vệ rừng dừa Cẩm Thanh, chính quyền TP Hội An đã có chủ trương khoanh vùng để bán vé cho du khách tham quan rừng dừa.

Bên cạnh đó, dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng” giai đoạn 2015 - 2017, do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu với kinh phí 28 tỷ đồng cũng đang trong giai đoạn thực hiện hoàn thiện.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Nếu giờ nói Hội An phát triển cái gì thì tôi chỉ nói một từ “giữ”. Đó là giữ di sản, giữ nếp sống hiền hòa, thanh lịch của người Hội An, giữ cảnh quan môi trường,… để tạo điều kiện vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo công tác bảo tồn”.

Nói về phát triển du lịch ở Cố đô Huế, một trong những vấn đề khiến dư luận băn khoăn, bày tỏ lo ngại, đó là hiện có nhiều di tích, nhà lưu niệm được đưa vào khai thác dịch vụ, biến thành quán cà phê, hoặc phục vụ du khách ăn uống.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, điểm di tích lưu niệm này cũng là nơi để du khách hiểu biết thêm về lịch sử về triều Nguyễn. Do đó, đơn vị quản lý cần bảo quản, gìn giữ hiện trạng di tích thật tốt, đừng để thương mại hóa rồi đánh mất giá trị văn hóa lịch sử của di tích…

Thời gian qua, để thu hút du khách đến vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng, nhiều điểm du lịch trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các dịch vụ ưu đãi, hấp dẫn, đặc biệt là các lễ hội như Festival truyền thống Huế, Festival nghề...

Thế nhưng, có một thực tế đáng e ngại đó là đi ngược với công tác quảng bá thì công tác bảo vệ du khách tham quan, vui chơi tại các khu du lịch vẫn còn hạn chế; vấn nạn nâng giá dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ “chặt, chém” du khách vẫn chưa có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu.

Đặc biệt, mùa hè tại các suối nước nóng, thác nước trên địa bàn thu hút rất đông du khách đến vui chơi, nhưng ở các vị trí dễ trơn trượt, nguy hiểm thì vẫn chưa được lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm, dẫn đến có nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế, thừa nhận, hiện ở địa bàn tỉnh có một số điểm du lịch sinh thái, tắm suối quản lý thiếu chặt chẽ. Đáng nói, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải tại các điểm du lịch, bãi tắm, bãi biển lại đang ở mức báo động.

Như bãi biển Thuận An - Phú Thuận, vào mùa hè, hàng ngàn lượt khách về vui chơi, tắm biển, nhưng do thiếu ý thức nên nhiều du khách vô tư thải túi nilon, chai nhựa ra bãi biển sau mỗi lần ăn uống, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường...

S.Lam – N.Thi -A.Khoa
.
.
.