Khó kiểm soát du lịch giá rẻ biến tướng

Thứ Hai, 22/10/2018, 08:57
Du lịch giá rẻ, trong đó có tour du lịch 0 đồng vẫn đang là thách thức lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành đánh giá toàn diện về loại hình du lịch này.

Bị phản ánh nhiều năm liền bởi liên tục nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, kéo theo không ít hệ lụy, gây bức xúc cho du khách, làm hình ảnh du lịch Việt méo mó trong mắt bạn bè quốc tế, nhưng, đến nay, du lịch giá rẻ, trong đó có tour du lịch 0 đồng vẫn đang là thách thức lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam. 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành đánh giá toàn diện về loại hình du lịch này.

Các loại hình du lịch giá rẻ

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt trong khu vực và trên thế giới, nhiều hãng lữ hành đã áp dụng biện pháp thu hút khách du lịch bằng tour giá rẻ. 

Hiện nay, ngày càng nhiều khách du lịch đến Việt Nam từ một số thị trường thông qua các tour du lịch như thế này. Việc tổ chức, quảng bá, bán các tour du lịch giá rẻ thường chỉ áp dụng được cho một số phân khúc thị trường, nhóm khách có thói quen đi theo đoàn và chi tiêu nhiều cho mua sắm hàng hóa, dịch vụ ngoài tour. 

Về bản chất, đây là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường. Tour du lịch giá rẻ là cách thức bán hàng với giá tour cơ bản thấp, bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến. Tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống… 

Việc liên kết, tái phân bố lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến sẽ đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch. Một trong những biến tướng của tour du lịch giá rẻ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch là tour 0 đồng. 

Cũng theo ông Phương thì kết quả tổng kết sau một thời gian nghiên cứu cho thấy, tour du lịch giá rẻ hiện nay thường diễn ra dưới một số hình thức. Các đơn vị, cá nhân tổ chức gom khách thành các đoàn lớn dưới hình thức bán buôn để được hưởng chính sách ưu đãi về giá và các hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ. 

Nhờ đó, giá tour được giảm xuống đáng kể. Hình thức thứ 2 là thuê nguyên chuyến bay để vận chuyển khách du lịch. Do chỗ trên máy bay đã được mua trước trọn gói, nếu đến phút chót, đơn vị mua nguyên chuyến bay không bán được cho khách thì chỗ ngồi cũng bỏ phí nên sau khi tính toán điểm hòa vốn, các công ty lữ hành sẽ bán tour giá rẻ với mức giá vé máy bay thấp hoặc bằng 0. 

Thứ 3 là tour cho khách đi ngắn ngày, cắt giảm chương trình, ép khách phải vào các điểm mua sắm khép kín, chỉ phục vụ riêng khách đi theo tour giá rẻ với hàng hóa chất lượng thấp, giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế. 

Hình thức thứ 4 là là các tour đi theo đường bộ vào Việt Nam. Công ty lữ hành của nước bạn vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại cho các công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên của Việt Nam với giá rẻ hoặc bằng 0. 

Để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết với khách, các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên trong nước phải lấy chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ để bù vào.

Phân khúc thị trường du lịch giá rẻ dễ nảy sinh nhiều hoạt động biến tướng.

Ngành Du lịch khó “đơn thương độc mã” xử lý du lịch giá rẻ biến tướng

Trao đổi về du lịch giá rẻ, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, du lịch giá rẻ có nhiều mặt tích cực. Đối với các hãng hàng không, đây là đòn bấy tăng khả năng thu hút khách, duy trì sự ổn định của đường bay. 

Tour du lịch giá rẻ còn làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư có nguồn thu ổn định, duy trì và đem lại doanh thu cho điểm đến. 

Tuy nhiên, việc tìm kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí để bù đắp cho chi phí tổ chức đã tạo sức ép lớn cho các công ty lữ hành gửi khách, nhận khách và hoạt động quản lý điểm đến. 

Một số nguồn thu từ các dịch vụ mua bán hàng hóa của khách du lịch chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được doanh số và thất thu thuế. 

Việc thanh toán, giao dịch trực tuyến của khách du lịch thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS), thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh… không thông qua hệ thống ngân hàng trong nước, vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam. 

Nếu quản lý được tour du lịch giá rẻ không đáp ứng được yêu cầu cơ chế thị trường, không đảm bảo chất lượng dịch vụ, quyền lợi của khách du lịch, sẽ làm xấu hình ảnh của điểm đến cũng như các nguồn thu thuế của Nhà nước.

Cũng theo ông Tuấn, điểm mấu chốt của du lịch giá rẻ biến tướng, tour 0 đồng là sự tồn tại của những cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành, có sự tiếp tay của công ty lữ hành, hướng dẫn viên trong nước. 

Để xử lý tình trạng này, ngoài việc tăng cường phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các địa phương trong thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên, tuyên truyền cho khách về điểm cung ứng dịch vụ thì còn cần quản lý liên ngành chặt chẽ, đồng bộ của chính quyền địa phương, ngành Công Thương, Thuế, Ngân hàng, Công an, Quản lý lao động… 

Nếu không có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các địa phương, các ngành liên quan, du lịch giá rẻ biến tướng sẽ còn diễn ra. 

N.Hoa
.
.
.