Khi dệt lanh Lùng Tám “xuất ngoại”

Chủ Nhật, 25/08/2019, 08:14
Không biết bắt nguồn từ đâu, vào thời điểm nào, chỉ biết rằng, đã từ lâu, thương hiệu sản phẩm dệt lanh Lùng Tám - xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã theo chân du khách trong và ngoài nước về xuôi.

Những tấm áo choàng, vỏ gối, ví, túi xách…với chất liệu lanh Lùng Tám được làm thủ công bởi bàn tay bà con người Mông đã trở thành một sản phẩm văn hóa độc đáo nơi “cổng trời” Quản Bạ.

Quốc lộ 4C dẫn chúng tôi từ thành phố Hà Giang lên “cổng trời” Quản Bạ - huyện Quản Bạ. Khoảng không gian hùng vĩ nơi công viên địa chất Quản Bạ như khoác tấm áo choàng lung linh sắc màu. Lùng Tám nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá tai mèo dựng vách. Con đường liên bản Lùng Tám tấp nập du khách tìm về.

Trong căn phòng sản xuất của trụ sở Hợp tác xã lanh Lùng Tám, bà Giàng Thị Mẩy cần mẫn thao tác bên khung cửi, dệt từng sợi lanh. Năm nay, bà Mẩy đã 73, song tuổi cao không ngăn được sự say nghề dệt lanh từ hàng chục năm qua của bà.

Bà Mẩy nhà ở thôn Hợp Tiến, tuổi nghề của bà cũng đã ngót 30 năm. Hàng ngàn sản phẩm dệt lanh Lùng Tám đã qua đôi tay thủ công của bà…xuất xưởng. Bà Mẩy tâm sự, để có được một sản phẩm lanh mang thương hiệu lanh Lùng Tám như hiện nay phải mất 41 công đoạn. Từ gieo hạt lanh, tách lấy vỏ lanh, tước lanh, se sợi lanh v.v..cho đến luộc sợi, thêu, dệt sản phẩm, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên tâm của các xã viên, nghệ nhân làm nghề.

Chỉ riêng công đoạn lấy vỏ lanh, đôi tay của nghệ nhân phải hết sức khéo léo, nếu không lanh sẽ không có độ mảnh đều và rất dễ đứt nửa chừng. Hay như công đoạn nhuộm chàm, để có được một màu chàm như ý, các nghệ nhân phải nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, và thời gian nhuộm có thể lên đến nhiều ngày.

Dẫu vậy, những người thợ dân tộc Mông vẫn cần mẫn hoàn tất các công đoạn. Bà Mẩy thổ lộ: “Sự mộc mạc, thủ công trong từng chi tiết đã làm sản phẩm bản mình khác với nơi khác lắm đó…”. Có lẽ chính sự đặc sắc được kết tinh bởi bàn tay khéo léo của bà con người Mông nơi “cổng trời” Quản Bạ đã tạo ra một sản phẩm độc đáo làm say lòng nhiều du khách trong và ngoài nước.

Bà Giàng Thị Mẩy, 73 tuổi, cần mẫn dệt lanh Lùng Tám.

Nằm cách trụ sở Hợp tác xã lanh Lùng Tám không xa là cửa hàng giới thiệu sản phẩm dệt lanh Lùng Tám. Nhiều người sau khi đến đây tham quan và trở về xuôi mang theo những tấm áo choàng, chiếc vỏ gối, túi xách…được làm từ chất liệu lanh Lùng Tám tặng người thân của mình.

Anh Phan Văn Hùng, 32 tuổi, du khách đến từ tỉnh Đắk Nông không ngớt khen sự cầu kỳ trong từng chi tiết của các sản phẩm dệt lanh Lùng Tám. Anh Hùng lần đầu tiên lên Quản Bạ, tận mắt chứng kiến một số công đoạn làm ra sản phẩm dệt lanh Lùng Tám. Trước nét riêng của chiếc túi xách được dệt thủ công từ sợi lanh, anh đã chọn mua để tặng vợ.

Chị Sùng Thị Pả, xã viên Hợp tác xã lanh Lùng Tám và cũng là nhân viên bán các sản phẩm dệt từ lanh chia sẻ, các sản phẩm của làng nghề lanh Lùng Tám đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Đức, Pháp v.v… Du khách thường đặt hàng từ tháng 6, 7 hằng năm. Dịp lễ Noel chính là thời điểm nhận hàng của du khách. Làng nghề lanh Lùng Tám luôn tất bật với các đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Chị Vàng Thị Mai, Chủ tịch Hợp tác xã lanh Lùng Tám chia sẻ, không biết bắt nguồn từ đâu, thời điểm nào, chỉ biết rằng, nghề dệt lanh đã có từ ngàn đời nay. Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau. Người bản này truyền nghề cho người bản bên. Cứ thế cho đến năm 2001, sau một thời gian dài làm nghề tự phát, Hợp tác xã lanh Lùng Tám chính thức đi vào hoạt động.

Ban đầu, số xã viên chỉ đếm trên đầu ngón tay, quy môn sản xuất manh mún. Nhưng đến nay, Hợp tác xã đã có hơn 130 thành viên đến từ 7 thôn, bản thuộc xã cũng như một số xã lân cận. Các sản phẩm thổ cẩm được dệt từ sợi lanh theo đó không ngừng tăng về số lượng và mẫu mã.

Mỗi sản phẩm xuất ra thị trường đều mang những nét văn hóa riêng đặc sắc của các bản làng người Mông nơi cao nguyên đá. Đời sống của bà con Lùng Tám ngày một đổi thay. Lớp trẻ trong vùng không ngừng tiếp cận, ham thích học nghề, phụ giúp gia đình tăng thêm thu nhập ngay từ nhỏ.

Chị Vàng Thị Mai cho biết, bình quân mỗi lao động, nghệ nhân làm nghề dệt “lanh Lùng Tám” thu nhập mỗi tháng dao động từ 3-4 triệu đồng, thậm chí còn hơn nếu như các lao động làm tăng ca, chế tác ra nhiều sản phẩm cung ứng ra thị trường. Nhờ có thêm thu nhập, cuộc sống của nhiều gia đình được cải thiện; tệ nạn xã hội, tình trạng di cư, sang bên kia biên giới lao động đã giảm đi đáng kể…

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Hợp tác xã sẽ không ngừng mở rộng quy mô, nâng số thành viên tham gia lên hơn 400 xã viên. Rất mong các cấp ủy, chính quyền, nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… sẽ tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền để bà con các xã lân cận tích cực học nghề, nhân rộng mô hình sản xuất lanh Lùng Tám.

Trần Huy
.
.
.