Khai thác “mảnh đất màu mỡ” thị trường nội địa

Chủ Nhật, 10/05/2020, 12:04
Đại dịch COVID-19 khiến xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm, nhiều đơn hàng đã bị huỷ hoãn. Tuy nhiên, với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa vẫn là “mảnh đất màu mỡ”, còn dư địa rất lớn để doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, khai thác.

Thị trường nội địa “cứu cánh” doanh nghiệp

Dịch COVID-19 bùng phát, người dân có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm. Các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.519,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong bối cảnh khó khăn đó, thị trường nội địa đã trở thành đầu ra cho hàng hóa, nông sản của nhiều DN. Nguồn hàng trong nước được tiêu thụ tại các hệ thống phân phối lớn. Theo đại diện siêu thị VinMart, nhà bán lẻ này hiện đang kết nối với 1.200 nhà cung ứng nên bảo đảm đầy đủ hàng hóa cho 134 siêu thị VinMart và 2.900 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cho rằng, nhiều chương trình được liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex. Nhiều DN của các tỉnh đã tìm kiếm được các đơn hàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô qua các hệ thống phân phối lớn.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (chủ chuỗi siêu thị BigC, Go!) cho biết, từ khi có dịch bệnh, hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần. Công ty cũng làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng. Đồng thời cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu.

Các nước phong toả, đóng cửa biên giới, hàng hoá xuất nhập khẩu khó khăn, tuy nhiên với một số mặt hàng khi nguồn cung - cầu bị đứt gãy thì một số DN đã có sự chuyển hướng sang tìm kiếm và tiêu thụ nội địa. 

Ông Vũ Quốc Vương, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển gỗ Đồng Kỵ, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết, khi thị trường gặp khó, công ty và các hội viên đã chủ động tìm kiếm và khai thác thị trường nội địa, thay đổi mẫu mã, giới thiệu và chào hàng những mẫu mã mới, cải tiến nhiều khâu trong thiết kế, tiếp cận khách hàng, đa dạng sản phẩm để duy trì sản xuất. 

Thị trường khó khăn chung nhưng khi tiếp cận được thị trường nội địa, có đơn hàng thì DN và cơ sở sản xuất có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này. Tất cả đều phải nỗ lực, thay đổi để có thể “sống sót”, bởi sản xuất được duy trì thì công nhân có việc làm và tạo thành một chuỗi liên kết. 

Ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng, sự đứt gãy nguồn cung sản phẩm nhập khẩu cũng là cơ hội của không ít DN trong nước vươn lên. Trên thực tế, khi các mặt hàng đồ gỗ như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn, DN đã chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm này cung ứng cho thị trường nội địa. 

Không chỉ tạo việc làm trước mắt cho lao động, DN đang nghiên cứu để có bước phát triển lâu dài tại thị trường trong nước. Bà Trịnh Thị Hồng Nhung, Giám đốc Công ty TNHH In bao bì Hoàng Mai cũng cho biết, dịch bệnh khiến thị trường xuất khẩu đình trệ, thì thị trường nội địa chính là giải pháp được DN tính tới để tìm đầu ra cho sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh.

Thị trường nội địa là chỗ dựa vững chắc cho các DN và còn nhiều dư địa phát triển.

Coi thị trường trong nước quan trọng như thị trường nước ngoài

Đánh giá về nhu cầu thị trường, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, với gần 100 triệu dân thì đây đã là một thị trường tiềm năng có sức hút lớn đối với các DN. 

Đặc biệt, tại thị trường Hà Nội với 10 triệu dân, sức mua rất lớn. Hơn thế, Hà Nội còn giữ vai trò là một trung tâm kinh tế, thương mại lớn, đặc biệt là trong khâu lưu chuyển hàng hóa nên cần dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thương mại nhằm tiếp cận địa bàn nông thôn, một thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức. 

Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, thì giải pháp kích cầu quan trọng là các DN cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, tăng cường khâu chế biến, mẫu mã, giảm giá và tăng ưu đãi cho khách hàng.

“Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi nhận thức, phải coi thị trường trong nước quan trọng như thị trường nước ngoài. Cần thay đổi cách làm mang đồ ngon, đồ đẹp đi xuất khẩu trong khi hàng hóa tiêu thụ trong nước lại kém chất lượng hơn”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Thanh Sơn cho rằng, thị trường nội địa nói chung, Hà Nội nói riêng là chỗ dựa vững chắc cho các DN và còn nhiều dư địa phát triển. Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và khu vực ngoại thành. 

Thị trường nông thôn được coi là thị trường chiến lược trong thời gian tới. Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, Sở đã có kế hoạch hỗ trợ DN Hà Nội liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; kết nối cung - cầu, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố... 

Trong bối cảnh dịch bệnh, cách ly xã hội, Sở đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức các hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ DN nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, kết nối với các DN có hệ thống phân phối đa quốc gia.

Lưu Hiệp
.
.
.