Hướng đi mới của ngành gỗ xuất khẩu

Thứ Sáu, 24/04/2020, 08:51
Các thị trường xuất khẩu lớn của ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.

Để vượt qua khó khăn trong mùa dịch, các DN Việt Nam đã tìm hướng đi mới và thương mại điện tử (TMĐT) đang là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp (DN) trong ngành gỗ hướng tới...

Dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn đồ gỗ của Việt Nam như Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam), EU (chiếm 10%), Nhật Bản (chiếm khoảng 13%)... khiến các DN xuất khẩu đồ gỗ rơi vào tình trạng điêu đứng.

Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) tại Bình Dương, cho biết, sản phẩm đồ gỗ của Mifaco có hơn 90% xuất khẩu đi thị trường Mỹ.

Hiện thị trường Mỹ yêu cầu dời lại hầu hết các đơn hàng từ tháng 3 sang tháng 5, hoặc tháng 6/2020. Đó là thông báo ban đầu, còn nếu dịch vẫn chưa kiểm soát được thì khả năng việc dời đơn hàng sẽ dài hơn.

Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ông Hiệp cũng cho biết, hầu hết các hội viên cũng gặp khó khăn tương tự tại các thị trường xuất khẩu Mỹ, EU...

Trong khi các DN ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ đang gặp khó khăn tại các thị trường xuất khẩu do đơn hàng sụt giảm, hoãn hoặc hủy do tác động dịch COVID-19, thì trong nước, Hội chợ quốc tế về ngành gỗ lớn nhất Việt Nam và khu vực Asean, dự kiến tổ chức vào giữa tháng 3 cũng đã bị hoãn.

Nguyên nhân, do ảnh hưởng dịch bệnh, số đông khách hàng từ Mỹ, EU, Nhật Bản… hủy kế hoạch tham quan sự kiện. Việc huỷ hội chợ quốc tế vừa qua là tổn thất rất lớn đối với các DN trong việc tìm kiếm hợp đồng từ người mua ở các quốc gia trên thế giới. Trước tình trạng trên, để tồn tại trong mùa dịch, nhiều DN đã tìm hướng đi khác bằng cách bán hàng online.

Nhiều doanh nghiệp gỗ đã chuyển hướng bằng cách đưa hàng lên bán online.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) nhận định, với bối cảnh như hiện nay TMĐT là giải pháp tốt nhất cho ngành chế biến gỗ. Theo đó, mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức trực tuyến (online) và truyền thống (offline), sẽ giúp phát huy tốt nhất nguồn lực của DN.

Tuy nhiên, để ứng dụng mô hình này, đòi hỏi DN phải có nhân lực và tài chính vững vàng để đầu tư cho nền tảng kỹ thuật mới. Hiện nay, một số DN chế biến gỗ cũng đã có bước đi rất mạnh mẽ.

Họ đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, ứng dụng biện pháp chuyển đổi số, xây dựng giải pháp từ thiết kế, tạo ra nội dung, hình ảnh cho người mua hàng. Nhiều DN đã đưa hàng lên Amazon để quảng bá sản phẩm và bán hàng.

Cũng với xu hướng này, mới đây, nội thất Nhà Xinh và một số DN thành viên xuất khẩu của Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ TP HCM (HAWA) đã thử nghiệm mô hình TMĐT, kết hợp với thực tế ảo (Virtual Reality) để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.

Trang điện tử này giống như một gian hàng trưng bày tại hội chợ. Người mua hàng ở nước ngoài chỉ cần ngồi máy tính vẫn có thể xem được tất cả các mẫu mã mà DN nội thất trưng bày, thậm chí tham quan nhà xưởng trên không gian 3D.

Nếu khách hàng quan tâm tới sản phẩm nào, có thể tương tác trực tiếp vào sản phẩm đó và mẫu sản phẩm sẽ quay 360 độ để khách hàng nhận diện được mọi góc độ. Như vậy, thông qua sàn TMĐT, các thông tin về mẫu mã sản phẩm, giá cả, năng lực sản xuất của đối tác... khách hàng cũng có thể nắm bắt hết được.

DN bán hàng không cần trực tiếp mang hàng hóa đến với bạn hàng mà vẫn có thể giới thiệu, quảng bá, xuất khẩu sản phẩm.

Trong thời gian qua, khi kênh bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng, showroom gần như bị đóng băng thì việc bán hàng qua kênh TMĐT của các DN cũng đã có bước tăng trưởng đáng kể. Thống kê của nhà cung cấp dịch vụ Amazon tại Việt Nam – Công ty OnBrand, chỉ tính trong 1 tháng qua, lượng DN gỗ nội thất kết nối với công ty này để bán hàng trên nền tảng Amazon đã tăng trưởng gấp 5 lần.

Ngoài ra, cũng để giúp DN tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí, tăng trưởng thương mại, hướng tới mục tiêu doanh thu xuất khẩu ngành gỗ đạt 20 tỷ USD của Chính phủ đề ra đến 2025, ngày 5/3 vừa qua, 3 Hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam là HAWA, Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) và Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số cho các DN chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Mục đích giúp các DN tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ, góp phần số hóa các hoạt động quản trị cũng như tư vấn và giới thiệu các công nghệ và thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng và cần nhất lúc này là các DN gỗ Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để có được những kết quả đột phá trong thời gian ngắn”. 

Theo HAWA, hiện nay các khách hàng lớn tại Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản… đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc. Nguyên nhân là tránh chiến tranh thương mại, mặt khác cũng nhằm giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á nổi lên là thị trường thay thế lý tưởng, Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA cho rằng, để bắt kịp xu hướng tiêu dùng, các DN phải tiếp tục đổi mới và tư duy lại mô hình sản xuất. Đặc biệt cần quan tâm đến nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn đến công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng hóa...

Thúy Hà
.
.
.