Hướng đến “cuộc chiến” công nghệ trong sản xuất

Thứ Năm, 21/02/2019, 11:09
Công nghệ là yếu tố quyết định trong kinh doanh của cuộc cách mạng 4.0. Bởi, hàng hoá muốn bán được, muốn ra thị trường thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn cùng với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ.

Theo nhận định của bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC), tinh thần thâm nhập thị trường của DN Việt có giảm. Bằng chứng là DN trong nước đang co cụm địa bàn phân phối. Vì vậy, DN nên xem xét để khắc phục những điểm yếu, đặc biệt yếu về công nghệ. Bởi, khi thuế suất nhập khẩu bằng 0%, DN ngoại có nguy cơ thắng thế DN trong nước bằng công nghệ.

Nhiều DN ngành Thép đã đầu tư công nghệ vào sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bà Vũ Kim Hạnh dẫn chứng, khảo sát của HDNHVNCLC cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng (NTD) yêu thích và thường mua dùng hàng Việt với tỷ lệ lần lượt là 89% và 93%. Tuy nhiên, với sản phẩm ngoại nhập, tỷ lệ NTD yêu thích và mua dùng cũng tăng liên tục trong 3 năm gần đây. Với xu thế đó, có thể trong tương lai gần, nhu cầu mua sắm hàng hóa của NTD sẽ có sự chuyển dịch từ sản phẩm “made in Vietnam” sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,...

Thực tế đó cho thấy đang có cuộc canh tranh gay gắt về công nghệ. “Hiện, nhiều nước khu vực ASEAN đang đầu tư mạnh mẽ cho vấn đề số hóa, công nghệ. Như Thái Lan áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các DN vừa và nhỏ tại địa phương. Họ đang trong quá trình chuyển dần từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sản xuất “công nghệ cao, có giá trị cao” bằng cách thúc đẩy sử dụng công nghệ tiên tiến, khoa học và đổi mới với việc phát triển cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vinamit cho rằng, từ năm 2015 đến 2025 là thời kỳ chuyển động thay đổi công nghệ. Đầu tiên người ta nói về công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo. Thứ hai là công nghệ sinh học. Thứ 3 là công nghệ vật liệu, công nghệ cao. Bên cạnh đó, NTD trẻ đang đòi hỏi nhiều tiện ích và mong muốn được phục vụ nhiều hơn từ sản phẩm. Chính vì thế mà những giải pháp cũ xưa, không có tính mới sẽ lỗi thời và kỹ thuật số sẽ làm thay đổi cục diện.

Lo ngại trước nguy cơ tụt hậu trên thị trường, trước áp lực hàng nhập khẩu của các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ nhập vào thị trường nội địa với mức thuế giảm sâu theo lộ trình, nhiều DN cũng đã có kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ để cạnh tranh. Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty Điện Quang cho biết: Giai đoạn 2018-2022, xác định công nghệ là yếu tố cốt lõi, nên tháng 7-2018, Công ty cho ra đời đồng thời 4 bộ giải pháp về công nghệ.

Đó là giải pháp DQ Home - Nhà thông minh, giúp NTD điều khiển được hầu hết các thiết bị điện trong gia đình ở mọi lúc, mọi nơi; Giải pháp Apollo, là giải pháp chiếu sáng thông minh, NTD điều khiển được các thiết bị chiếu sáng lên đến hơn 16 triệu màu; Giải pháp Home Care, kết nối NTD với thợ điện và các nhãn hàng trong ngành điện, qua đó đặt dịch vụ tư vấn, thiết kế, thi công lắp đặt, bảo hành chỉ với 1 trạm; cuối cùng là LikeCheck, giải pháp tư vấn chiếu sáng thông qua App, ứng dụng trên ĐTDĐ.

Ông Kao Siêu Lực –  Tổng Giám đốc ABC Bakery cũng xác nhận rằng, công nghệ là vấn đề xương máu của ABC Bakery. Trước đây, công ty sản xuất dựa vào kinh nghiệm, do đó việc sản xuất không ổn định. Sau khi nghiên cứu lại và áp dụng những quy trình thao tác chuẩn, thì việc sản xuất của ABC Bakery luôn ổn định. Áp dụng phần mềm SAP, hoạt động công ty đạt hiệu quả tốt, chính xác và tiết kiệm nhiều chi phí.

Tương tự, một số DN thép trong nước trang bị cho các nhà máy luyện và cán thép những dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến thế giới với mức độ tự động hóa cao, sản xuất thép sạch và tự động loại bỏ sai sót, đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của bộ tiêu chuẩn Việt Nam cũng như thế giới.

Nói về việc áp dụng công nghệ trong sản xuất của DN, bà Vũ Kim Hạnh nhìn nhận, hiện chỉ mới DN lớn áp dụng công nghệ hiện đại. Phần lớn DN nhỏ trong nước còn đang loay hoay với dự định này do thiếu vốn đầu tư. “Bằng mọi giá, DN phải chuyển đổi công nghệ sản xuất. Không cạnh tranh được bằng công nghệ sẽ rất khó chiếm lĩnh được thị trường. Khi thuế suất nhập khẩu bằng 0%, DN ngoại có nguy cơ thắng thế bằng công nghệ”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Thúy Hà
.
.
.