Hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao nhất từ trước đến nay

Thứ Hai, 24/08/2020, 07:15
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người lao động vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi số người mất việc vẫn tiếp tục tăng và rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới.

Điều này được thể hiện rất rõ khi những ngày qua, tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội, số người đến đăng ký tìm việc và làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp rất đông. Theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ LĐ- TB&XH), số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 100 nghìn người mỗi tháng, số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5- 5 triệu người.

Mỗi ngày nhận hơn 600 hồ sơ xin hưởng trợ cấp    

Những ngày qua, Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội, dù đã bố trí hơn 10 quầy giải quyết thủ tục làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động nhưng trước mỗi quầy vẫn luôn có hàng chục người ngồi chờ đến lượt. Lần đầu tiên sau hơn chục năm đi làm, chị Nguyễn Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) phải đến đây để nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, do chưa thể tìm kiếm được việc làm mới. 

Chị Thủy có gần 10 năm làm việc tại một trung tâm đào tạo ngoại ngữ cho lao động đi nước ngoài làm việc. Công việc rất ổn định cho đến khi dịch COVID-19 ập đến. Trung tâm không đào tạo được, nên 3 tháng cho nhân nghỉ việc ở nhà nhưng vẫn được hưởng 70% lương. 

“Mục đích của trung tâm là giữ chân lao động. Khi dịch đi qua thì có thể trở lại làm việc ngay. Tuy nhiên, do không có nguồn thu nên trung tâm cũng chỉ gắng gượng được một thời gian, rồi đành phải cho lao động nghỉ việc. Tôi cũng đã tìm kiếm việc làm mới suốt hai tháng qua nhưng chưa tìm được nên đành phải đến nay nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp”, chị Thủy chia sẻ.

Cũng trong dòng người làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Vũ Quang Huy (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, công ty anh làm việc chính thức cho 1/3 nhân viên nghỉ việc từ đầu tháng 7 đến nay. Làm việc trong một công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng may mặc sang thị trường Hàn Quốc, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, từ đầu năm tới nay, công ty liên tục làm ăn thua lỗ. 

“Trước mắt tôi nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó sẽ cố gắng tìm kiếm một công việc mới. Tuy nhiên, ở lĩnh vực của tôi tìm kiếm việc làm mới cũng không biết ra sao", anh Huy buồn bã nói.

Theo thông tin của Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng người đến làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao nhất từ trước đến nay. 

“Ngày cao điểm, trung tâm nhận hơn 600 hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ đầu năm đến hết tháng 7, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 46.870, tăng cao hơn rất nhiều so với năm trước”, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội cho hay.

Trong khi đó theo thông tin của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), năm nay bình quân mỗi tháng gần 100 nghìn người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi 2019, con số bình quân là khoảng 60 nghìn người. Chỉ riêng 7 tháng năm 2020, số lượng người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 686.214 người, tăng 32% so với cùng kỳ 2019.

Theo dự báo của Cục Việc làm, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 100 nghìn người mỗi tháng.

Lao động phải học nghề để tìm việc làm bền vững

Theo chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, ngoài được nhận khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp, người lao động sẽ còn được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm mới. Trước tác động của dịch COVID-19, bảo hiểm thất nghiệp đang thật sự trở thành “cứu cánh” cho rất nhiều lao động thất nghiệp. 

Tuy vậy, theo lời anh Nguyễn Quang Lương, một lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội, “số tiền hỗ trợ thất nghiệp này sẽ giúp tôi chi trả được một mức sống cơ bản trong vài tháng tới, về việc học nghề thì tôi không có nhu cầu đăng ký học nghề mà chỉ mong được trung tâm giới thiệu thêm các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng”, anh Lương cho biết.

Lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm để hưởng trợ cấp thất nghiệp có suy nghĩ như anh Lương là tình trạng phổ biến. Chủ yếu chỉ quan tâm đến việc nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và mong muốn tìm kiếm việc làm mới mà thờ ơ với việc đăng ký tham gia thêm các khóa học nghề để nâng cao trình độ, tay nghề, kĩ năng. 

Theo các chuyên gia lao động, người lao động khi hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cần hiểu và đánh giá đúng về ý nghĩa của chính sách. Đặc biệt, tận dụng thời điểm này, tham gia các khoá học nghề để nâng cao trình độ, tay nghề, thích ứng với những yêu cầu công việc mới trong thời gian tới. Bởi nhóm lao động trình độ thấp là nhóm lao động rất dễ tuyển dụng nhưng dễ sa thải, đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bị tác động khi dịch bùng phát trở lại. 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, việc các cơ quan xã hội, trung tâm giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kịp thời là nguồn động lực để người lao động đảm bảo ổn định gia đình khi chưa tìm kiếm được việc làm mới. 

“Tuy nhiên, không nên nghĩ nhận bảo hiểm thất nghiệp để sử dụng trong cuộc sống, mà phải nghĩ đến đào tạo để chuyển đổi sang lĩnh vực, doanh nghiệp khác làm việc. Người lao động cần hết sức lưu ý tạm thời nghỉ 1- 2 tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc chúng ta đi học nghề để tìm được việc làm bền vững”, ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý.

Phan Hoạt
.
.
.