Hiểm họa từ rượu “3 không” bán tràn lan

Chủ Nhật, 19/02/2017, 11:29
Rượu tự nấu được ưa chuộng vì giá rẻ, hợp khẩu vị. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của loại rượu này thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ khối lượng lớn bia, rượu, được liệt kê vào top đầu của thế giới. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc của rượu, đặc biệt là giấy phép kinh doanh rượu hiện nay vẫn đang bị thả lỏng. Rượu tự nấu được ưa chuộng vì giá rẻ, hợp khẩu vị. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của loại rượu này thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.

Từ TP Hồ Chí Minh tới địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), theo tiếp quốc lộ 56, chúng tôi rẽ vào hướng TP Bà Rịa hỏi thăm đường vào Hòa Long - một làng nghề nấu rượu nổi tiếng của BR-VT. Sau ít phút trò chuyện, cô N.T.N. 55 tuổi, một hộ nấu rượu gạo cũng khá lâu đời và có tiếng ở Hòa Long cho biết, gia đình cô cũng như các hộ tại xã đã nấu rượu truyền thống nối nghiệp cha ông từ rất lâu rồi. Và cứ thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác cùng nhau nấu. Khi tôi hỏi rượu gia đình nấu bán ra thị trường có giấy kinh doanh không, cô N. trả lời “không rõ lắm.”

Người nấu rượu khi bán ra không có giấy phép, còn người buôn rượu thì thế nào? Theo ghi nhận của chúng tôi, rượu “ba không” không nguồn gốc, không chất lượng, không ai kiểm soát được bày bán khắp nơi, với nhiều giá khác nhau.

Người bán vô tư bán các loại rượu không rõ nguồn gốc.

Trong vai người mua rượu về làm đám tiệc, chúng tôi ghé vào một tiệm tạp hóa trên đường Phước Thắng, TP Vũng Tàu. Vừa dừng xe trước tiệm hỏi rượu đế, người phụ nữ khoảng 50 tuổi nhiệt tình giới thiệu: “Rượu có loại 12 nghìn/lít và 20 nghìn/lít, mua mấy lít, loại nào?” Khi tôi tỏ vẻ băn khoăn, rượu uống có đau đầu không? Người phụ nữ liền trấn an: “Rượu nhà nấu, yên tâm đi. Người ta mua nhiều lắm, uống có sao đâu”. Vừa nói chị lấy cho tôi 1 lít rượu loại 20 nghìn/lít được đóng sẵn trong túi nilon.

Tiếp đó, theo chân một người quen, chúng tôi đến nhà một người được quảng cáo là chuyên bán rượu nấu “chất lượng” tại phường 11, TP Vũng Tàu. Trước mắt chúng tôi là các can nhựa màu xanh, đen, trắng… loại 10 lít, 20 lít, 50 lít đựng đầy chất lỏng bên trong để ngổn ngang tại một góc trong sân. Người chủ nhà cho biết, các can kia là rượu do gia đình chị tự nấu.

Giá các loại rượu dao động từ 30-60 nghìn đồng/lít. Nếu ngày nào người mua nhiều cũng bán được cả trăm lít. Thế nhưng, khi tôi hỏi rượu được quảng cáo “chất lượng” thì có ai đến kiểm tra không, người này trả lời tỉnh rụi: “Chẳng có ai cả. Mình bán mình biết rượu nào ngon chứ. Với lại người ta kiểm tra rượu ngoại chứ ai kiểm tra rượu gạo bao giờ”.

Theo quy định của Bộ Công thương, thì tất cả những hộ sản xuất, kinh doanh bán các loại rượu phải có giấy phép và giấy phép phải được cấp trên cơ sở khống chế số lượng tính trên đầu dân của từng địa bàn. Cụ thể, 1 giấy phép bán buôn/100.000 dân, 1 giấy phép bán lẻ/1.000 dân.

Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Ái Phương, Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì hiện nay, toàn tỉnh mới có 7 công ty, doanh nghiệp được cấp phép bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu. Chưa có cơ sở sản xuất rượu thủ công (rượu tự nấu) nào được cấp phép.

“Sở dĩ các hộ tự nấu rượu không đi đăng ký vì họ nấu nhỏ lẻ, số lượng ít. Hơn nữa, các tiêu chí bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, đa phần rượu thủ công được tiêu thụ tại các quán nhậu, các cửa hàng tạp hóa nên việc thống kê chi tiết số hộ kinh doanh và yêu cầu họ đăng ký là rất khó khăn”-bà Hằng cho biết.

Còn theo đại diện Chi cục QLTT tỉnh BR-VT, trong thời gian qua, Chi cục đã tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu. Theo đó, từ ngày 16-12-2016 đến ngày 3-2-2017, qua công tác kiểm tra, chi cục đã phát hiện 93 chai rượu ngoại không rõ nguồn gốc hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, việc kiểm tra thường xuyên mới dừng lại ở các cơ sở kinh doanh rượu đã được cấp phép còn các điểm bán rượu thủ công nhỏ lẻ thì thưa thớt.

Bên cạnh đó, mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng nếu áp dụng cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, có doanh thu kém, rượu thủ công không có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hết hiệu lực rất khó áp dụng trong thực tế.

Cũng theo Chi cục QLTT, để kiểm soát tốt được rượu sản xuất theo phương pháp thủ công, cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương. Song song đó, các lực lượng chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa, kiên quyết xử lý mạnh tay và tận gốc đối với những loại rượu không có giấy phép, không có công bố chất lượng, ở cả khâu bán lẻ đến bán buôn.

Bà Nguyễn Thị Thao, Phó phòng Thông tin và Quản lý ngộ độc thực phẩm - Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo, để tránh xảy ra ngộ độc rượu, người dân cần uống ít rượu và không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. “Khi sử dụng rượu nấu thủ công, người sử dụng thường mới chỉ quan tâm đến giá cả, ít quan tâm đến nguồn gốc. Ngoài ra, việc cảm nhận chất lượng bằng những thói quen cảm tính, gây nhiều nguy cơ bất lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng. Phương thức chưng cất thủ công của các loại rượu tự nấu không đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nên nguy cơ ngộ độc là rất lớn”, bà Thao lo ngại.
Hải Âu-Anh Nguyễn
.
.
.