Hấp dẫn khi đầu tư vào “Đất chín rồng”

Thứ Hai, 14/11/2016, 08:08
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ngành nông nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện… tạo cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi được mệnh danh là “Đất chín rồng” có môi trường đầu tư kinh doanh tốt.


ĐBSCL chiếm 19,3% dân số cả nước, 42% giá trị nông lâm nghiệp, thuỷ sản, hơn ½ sản lượng lúa và gần 60% sản lượng thuỷ sản, sức tiêu dùng chiếm 19,6% tổng mức cả nước. Tăng trưởng GRDP của ĐBSCL từ 2011-2015 bình quân khoảng 8,5%/năm, thu nhập (GRDP/người) vào khoảng 41 triệu đồng.

Vào năm 2015, cơ cấu kinh tế của vùng gồm: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 33%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25%, khu vực dịch vụ chiếm 25%.

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) nhận định: “Có nhiều lý do để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ĐBSCL như: tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư lý tưởng, lực lượng lao động hùng hậu, ngành nông nghiệp và thuỷ sản phát triển…”.

Các cảng ở ĐBSCL ngày càng hoàn thiện, giảm chi phí vận chuyển hàng hoá.

ĐBSCL có thời tiết, khí hậu ôn hoà, nhiệt độ nắng ấm, nhiều sông, kênh rạch, biển đảo, vùng ven biển nhiều gió. Đây là thuận lợi để phát triển các ngành như: nông nghiệp, kinh tế biển, giao thông, logistics, du lịch, nghỉ dưỡng, bán lẻ…

Theo ông Koji Takimoto, Trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL nằm ở trung tâm của ASEAN, có ưu thế về địa lý.

Đồng thời, do nằm giữa Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore nên có khả năng phát triển thành trung tâm hậu cần trong tương lai. “Sự phát triển của hạ tầng giao thông như các trục đường huyết mạch, đường cao tốc, cầu nên thời gian di chuyển được rút ngắn đáng kể, khu vực có thể di chuyển trong bán kính 2 tiếng đồng hồ từ TP Hồ Chí Minh.

Các tỉnh, thành ở ĐBSCL hiện nay thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản do lợi thế về đất đai và nhân công rẻ và hoàn thiện về hạ tầng giao thông các khu công nghiệp”, ông Koji Takimoto đánh giá.

Năm 2014, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào trong vùng ĐBSCL đã bắt đầu tăng lên, đạt mức gần 1 tỷ USD. Năm 2015, con số này tăng lên 3,5 tỷ USD; trong 9 tháng đầu năm nay, toàn vùng đạt mức 1,67 tỷ USD, chiếm 10,2% trong tổng vốn thu hút FDI cả nước. Hàn Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào vùng, kế đến là Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản.

Tính đến tháng 10-2016, vùng thu hút 50 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 209,6 triệu USD. Hồng Kông (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nhiều nhất với 5 dự án, tổng vốn 67,93 triệu USD; kế đến là Đài Loan với 9 dự án (gần 42 triệu USD), Nhật Bản 5 dự án (hơn 30 triệu USD), Úc có 7 dự án (19,85 triệu USD), Hoa Kỳ có 2 dự án (11,96 triệu USD)…

Tuy vốn FDI “chảy” vào nông nghiệp còn khiêm tốn, nhưng ông Dũng cho rằng sắp tới, tầng lớp trung lưu đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, an toàn vệ sinh..., và điều này sẽ tạo ra áp lực lớn đối với nông nghiệp trong nước.

“Do vậy sẽ làm phát sinh nhu cầu phải đầu tư mới về ứng dụng khoa học công nghệ cho trồng trọt, cho chăn nuôi và thủy sản hay chế biến thực phẩm; kéo theo nhu cầu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như cơ khí, năng lượng tái tạo và công nghệ thông tin...”, ông Dũng thông tin.

Cùng quan điểm này, ông Kenta Noguchi (Công ty TNHH Business Innovation) đề xuất: “Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng cần nhìn thấy rằng, ngành nông nghiệp còn không gian để đầu tư. Trong đó, các máy móc thiết bị phục vụ cho ngành này là cơ hội lớn cho nhà đầu tư trong thời gian tới. Chúng tôi mong sẽ có sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực máy nông nghiệp”.

Như Anh
.
.
.