Hàng nghìn cây quất bị héo lá, rụng trái sau đợt mưa lũ

Chủ Nhật, 25/10/2020, 12:15
Được xem là “thủ phủ” quất của miền Trung, mỗi năm, phường Thanh Hà và xã Cẩm Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cung cấp ra thị trường hàng nghìn chậu quất cảnh cho người dân chưng tết. Thế nhưng, năm nay, trận mưa lớn kéo dài đã khiến cho hàng nghìn chậu quất và cây quất người dân trồng bán tết bị ngập úng, hư hỏng. Người trồng quất đứng ngồi không yên với nguy cơ lo mất trắng vụ Tết.

Có kinh nghiệm hơn 18 năm trồng quất bán tết ở vùng đất Cẩm Hà, thế nhưng trong trận mưa lụt kéo dài vừa qua, vườn quất của gia đình ông Trương Văn Quang (SN 1973, thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà) cũng không tránh khỏi thiệt hại nặng. 

Ông Quang cho biết, năm nay gia đình ông đầu tư trồng 300 cây quất lớn các loại với tổng số vốn đầu tư gần 150 triệu đồng để chuẩn bị tết cung cấp ra thị trường.

Dù đã lựa chọn mảnh đất ở trên cao nhưng trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày vừa qua cũng đã khiến cho vườn quất của ông Quang bị ngập úng, héo rễ, phát nấm hư hỏng không thể di dời. Gần 230 cây quất của ông Quang bị thiệt hại.

Vườn quất của người dân bị hư hỏng nặng sau trận mưa lớn kéo dài.

Trái quất bắt đầu úa dần sang màu đen.

“Mười mấy năm nay chưa có năm nào mưa lớn kéo dài mười mấy ngày như hiện nay. Mưa dầm mưa dề làm nước chảy tràn vào ngập úng không còn chỗ nào di dời. Mưa quá nhiều ngày cây phát nấm không bơm thuốc được. Dứt mưa vài ngày là cây bắt đầu héo úa, rụng lá. Ở đây ai cũng bị thiệt hại khoảng 70%. Giờ bơm thuốc cứu vãn vậy thôi chứ không xác định cứu vãn được bao nhiêu. Nói chung đời sống dựa vào cây quất cho nên tết này trắng tay rồi không thu nhập được gì”, ông Quang cho hay.

Cách vườn ông Quang không xa, vườn quất 650 cây của ông Nguyễn Vinh (SN 1976, trú khối Bến Trễ, xã Cẩm Hà) cũng bị ngập úng, hư hỏng nghiêm trọng. 

Ông Vinh cho biết, mỗi chậu quất ông bỏ tiền đầu tư trung bình khoảng 500 nghìn đồng, tổng số vốn đầu tư hơn 300 triệu. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình ông trong vụ tết năm nay thế nhưng mưa lớn nhiều ngày đã khiến cho 60% quất bị hư hại.

Quất bị ngập úng gần 0,6m, phát sinh bệnh nấm. Vài ngày sau khi nước rút, quất bắt đầu bị thối rễ, rụng lá, trái từ màu xanh chuyển sang đen rồi rụng. Bây giờ ông Vinh chấp nhận loại bỏ những cây hư hại, cố gắng chăm sóc, vớt vát những cây còn lại.

“Bây giờ rất lo nhưng mà ở đây không có đường thoát nước, mưa lớn quá, ngập úng quá chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ. Mười mấy năm rồi mới có trận mưa như vậy. Ngập lâu quá thì thối rễ, phương án bây giờ là cứu những cây còn lại”, ông Vinh nói.

Tại phường Thanh Hà, nhiều vườn quất cảnh của người dân cũng bị rụng lá đầy gốc, trái bắt đầu úa dần sang màu đen và dễ lây lan dịch bệnh nấm trên diện rộng. Những ngày này người trồng quất tết cũng đang tất bật tỉa cành, hái trái úng, nhặt lá, phun thuốc trị nấm cho cây quất, xử lý rễ với hy vọng cứu vãn được số cây còn lại sau mưa lũ. Chính quyền cũng vận động nhân dân đưa cây quất cảnh lên vùng cao hơn, khẩn trương nạo vét các kênh mương để chống ngập.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, cây quất là nguồn thu nhập chính của người dân Thanh Hà, Cẩm Hà. Mỗi năm vùng quất mang lại cho người dân khoảng từ 90 đến 100 tỷ đồng. Tuy nhiên cây quất không chịu được mưa. Năm nào có mưa kéo dài thì quất của người dân sẽ hư nhiều. Năm nay số lượng cây quất bị ngập nước và hư hỏng rất lớn.

“Từ đây đến cuối năm coi thử lượng quật hư hỏng thế nào, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ra sao rồi mới có hướng hỗ trợ được, chứ bây giờ họ đang sản xuất. Dĩ nhiên hư hại là có rồi. Nhưng quất ni hư thôi chứ không có chết, thì từ nay đến tết thì người ta vẫn tiếp tục chăm, còn giảm giá trị, không đẹp như mọi năm”, ông Sơn nói.

Diễm Phúc
.
.
.