Hàng loạt DN đầu mối cam kết hỗ trợ người nuôi heo

Chủ Nhật, 07/05/2017, 10:10
Sau một loạt điểm “giải cứu thịt heo” xuất hiện tại Đồng Nai thì tiếp đó từ ngày 3 đến 5-5, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp (DN) đầu mối về sản xuất, giết mổ, phân phối thịt heo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị cần xem xét việc ngừng nhập khẩu thịt theo, tăng cường sử dụng nguồn thịt heo trong nước để hỗ trợ nông dân.

Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, thời gian qua, thịt heo biến động thừa nên Saigon Co.op phối hơp với Công ty Anh Hoàng Thi, Vissan, Satra đã tổ chức thực hiện giảm giá thịt heo từ 10-20%. 

Tính từ ngày 23-4 đến 3-5, Saigon Co.op tiêu thụ bình quân khoảng 36 tấn thịt heo/ngày (tăng 15-20% so với trước đó). Để tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi cao nhất, Saigon Co.op sẽ cùng với các nhà cung cấp tính toán để thực hiện việc khuyến mại đối với mặt hàng thịt heo.

Ông Lâm Tuấn Hùng, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam cho biết: “Thời gian tới, siêu thị cam kết sẽ tăng sản lượng tiêu thụ thịt heo ổn định 15- 20% cho toàn bộ hệ thống. Trong tháng 5, sẽ triển khai chương trình bán hàng không lợi nhuận cho 10 sản phẩm thịt heo tại 13 trung tâm thương mại và siêu thị trên toàn quốc nhằm tăng sản lượng thịt tiêu thụ cho bà con chăn nuôi heo”.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C cho biết, Big C bán ra với mức giá không lãi để tăng khả năng tiêu thụ với các sản phẩm này.  

Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, từ khi heo hơi xuống giá, công ty đã ngừng nhập khẩu thịt heo để làm nguyên liệu, đồng thời tổ chức cấp đông một lượng lớn heo thu mua theo hợp đồng. Vissan hiện giết mổ 1.500 con heo/ngày. 

Để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường, Vissan đã hợp tác với 50 trang trại để có số lượng heo 700.000 con. Song song với việc bán hàng tại hệ thống, ngày 24-4, Vissan cũng đã ký hợp đồng đưa thịt heo vào 7 cửa hàng VinMart để tiêu thụ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra giá bán thịt heo tại siêu thị.  

Để tiêu thụ số lượng lớn thịt heo còn tồn của người chăn nuôi, ngoài việc tiêu thụ thịt heo tươi sống thì DN phải cấp đông dự trữ. 

Trong khi đó, đại diện Công ty Cầu Tre cho biết: “Mỗi tháng công ty tiêu thụ từ 60 – 70 tấn thịt heo. Nếu tăng mua thì phải tính đến việc trữ đông. Đây là rào cản rất lớn vì chi phí lưu kho tốn thêm từ 5.000 – 6.000 đồng/kg thịt. Hơn nữa, thịt cấp đông chỉ trữ được ba tháng, nếu lâu hơn hay điều kiện bảo quản không tốt thì khi chế biến sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm”. 

Với lo ngại như vậy, Công ty Cầu Tre chỉ dám lưu kho được 200 – 250 tấn thịt heo trong thời hạn ba tháng trở lại. Kho lạnh của Công ty Vissan hiện đang tồn khoảng 1.000 tấn nạc heo, Công ty Vissan chỉ cấp đông thêm được khoảng 100 con/ngày do kho lạnh có hạn, dự kiến trong tháng 5 này mới tăng lượng heo trữ đông lên được 300 con/ngày. 

Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, cho biết hiện kho lạnh công ty cũng đã hết công suất với 1.600 con heo cấp đông. Dự kiến, đến cuối năm 2017, mới có thể tăng năng lực cấp đông lên 2.000 con heo.

Ở khía cạnh khác, ông Lâm Tuấn Hùng, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam cho rằng, giá heo hơi rớt nặng một phần vì lượng cung vượt cầu trong khi hầu hết các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nên khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn. “Không chỉ tập trung “giải cứu” mà quên các tiêu chuẩn VietGap, truy xuất nguồn gốc…”, đại diện Saigon Co.op chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, kiến nghị: “Bên cạnh giảm bớt các hộ chăn nuôi không đạt chuẩn thì cần duy trì các hộ chăn nuôi thực hiện tốt chứ không nên giảm một cách đại trà. Các nhà hoạch định chiến lược cần khuyến khích, định hướng tiêu thụ heo cho người chăn nuôi và tạo những kênh thông thoáng cho trang trại, doanh nghiệp phát triển. Về lâu dài, cần tính đến giải pháp xuất khẩu thịt heo”.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, thị trường dư thừa thịt heo và giá xuống thấp như hiện nay mang tính cục bộ ngắn hạn và khoảng chừng trên dưới một tháng nữa sẽ được giải tỏa. Tuy nhiên, trước mắt để giảm áp lực cho người chăn nuôi, các DN đầu mối tại TP Hồ Chí Minh cần chia sẻ, hỗ trợ thêm nữa cho người chăn nuôi bằng cách tăng thu mua, mở thêm kênh bán hàng, có chính sách khuyến mại hợp lý. 

Bà Thoa cũng nhận xét: “Mấy ngày qua đi thực tế tìm hiểu nhằm tháo gỡ khó khăn đầu ra cho thịt heo cho thấy hiện nay các siêu thị vào cuộc rất tích cực. Hầu hết siêu thị đều có chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng diện tích trưng bày. Một số siêu thị có 40% sản phẩm chế biến sau thịt”.

Ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu khoản nợ cho người chăn nuôi

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, NHNN đã thực hiện tái cơ cấu khoản nợ (giãn nợ) cho người chăn nuôi lợn đạt 364,7 tỷ đồng. Nếu bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm.

Hiện, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ đồng, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679 tỷ đồng, chiếm 57%, với số lượng số hộ nông dân và DN kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm (tức là giữ nguyên nhóm 1) với thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm với bà con chăn nuôi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để hỗ trợ bà con. 

Về dài hạn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết để tránh trường hợp “thừa hiện tại nhưng thiếu hụt cung về sau” do bà con ồ ạt bỏ chăn nuôi lợn do thua lỗ, NHNN khẳng định chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm có lãi.                                                          

Phan Đức

Thúy Hà
.
.
.