Hàng hoá đầy trên kệ, chỉ thiếu người mua

Thứ Tư, 01/04/2020, 19:20
Trái ngược với cảnh người dân đổ xô đi mua sắm 1 ngày trước đó, trong ngày 1/4 tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, chợ cóc trên địa bàn TP Hà Nội hàng hoá đầy ắp, phong phú tuy nhiên người mua thì thưa vắng.


Đảm bảo nguồn cung hàng hoá phục vụ người dân

Có mặt tại chợ Cổng, chợ Xốm (Hà Đông), người dân đi chợ chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang, hàng hoá phong phú, đa dạng tuy nhiên người mua thì cũng vắng hơn rất nhiều. Ngay cạnh chợ cho mấy cửa hàng tiện ích và siêu thị hàng hoá cũng đầy ắp trên kệ. 

Bà Trần Thị Hải, tiểu thương bán rau củ tại chợ Cổng (quận Hà Đông) cho biết: Hàng hoá, thực phẩm thiết yếu tại chợ vẫn rất dồi dào, phong phú. Khách vắng hơn nên có cảm giác chợ cũng... trật tự hơn. Giá các mặt hàng đều ổn định. Lượng hàng về chợ nhiều, không lo thiếu, nhưng nhiều người hạn chế ra ngoài nên lượng khách đến mua rải rác.

Hàng hoá thiết yếu đầy đủ, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân

Tại các siêu thị Aeon, Big C, Vinmart, Hapro, Co.opmart… các kệ rau, củ, quả, mì tôm, thịt gà, bò, cá… đều được xếp đầy hàng. Đáng chú ý, siêu thị đang thực hiện chương trình “Thứ tư vui vẻ” với nhiều mặt hàng được giảm giá. Tuy nhiên, lượng người tới mua sắm đã giảm mạnh so với ngày hôm qua. Tại hệ thống siêu thị Co.op Food, Coopmart (Hà Đông), người mua cũng không đông. 

Hôm nay, thịt lợn đã bắt đầu giảm giá: Thịt nạc vai giảm từ 173.000 đồng xuống 138.400 đồng/kg, thịt lợn xay giảm từ 159.000 đồng/kg xuống 111.300 đồng/kg, thịt lợn vai có giá 106.400 đồng/kg thay vì mức 152.000 đồng/kg… 

Chị Trần Thị Nga (chợ Xốm) cho biết, siêu thị Co.op Food rất thưa người, hàng hoá phong phú, dễ lựa chọn, đặc biệt hôm nay không phải chờ đợi khi thanh toán. Hàng nhiều, người mua vắng cũng là tình trạng tại các siêu thị Big C Long Biên, Thăng Long; Vinmart và Vinmart+, Intimex..

Để phục vụ người tiêu dùng, từ ngày 1-4, Tập đoàn BRG mở thêm 10 cửa hàng bán lẻ Hapro Food trong chuỗi BRG Mart tại các địa điểm trung tâm để giúp người tiêu dùng Thủ đô thuận tiện trong việc mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khi diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Trong dịp này, có rất nhiều sản phẩm khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng như giảm giá từ 5% đến 30%, ưu tiên tập trung nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo Hapro Đồng Tháp, khẩu trang vải kháng khuấn Hafasco, mỳ ăn liền, dầu ăn, sữa hộp… 

Các cửa hàng/siêu thị của tập đoàn sẽ giao hàng miễn phí trong bán kính 5km đối với các đơn hàng có giá trị trên 500.000 đồng. 10 cửa hàng bán lẻ Hapro Food trong chuỗi BRG Mart sẽ được mở trên các tuyến phố trung tâm của thành phố như: Hàng Bài, Hàng Buồm, Hàng Đậu, Đội Cấn, Lò Đúc, Tôn Đức Thắng, Thợ Nhuộm, Trung Hòa - Nhân Chính…

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong ngày 1/4, nhìn chung người tiêu dùng mua sắm trong trật tự, không có hiện tượng chen lấn. Hàng hóa tại các chợ, siêu thị và các cửa hàng tiện ích vẫn bảo đảm nguồn cung, không có hiện tượng khan hiếm.

Tại Cần Thơ, các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường và đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; giá bán các mặt hàng thiết yếu ổn định. Để tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân trong việc mua sắm hàng hóa qua điện thoại, qua mạng, hạn chế đi lại, tập trung những nơi đông người; Sở Công thương tỉnh Cần Thơ cung cấp danh sách, địa chỉ, website, số điện thoại của các siêu thị, trung tâm thương mại bán khẩu trang vải kháng khuẩn và các đơn vị bán hàng trực tuyến qua mạng để người dân liên hệ mua sắm. Trong ngày nhu cầu mua xăng dầu của người dân không còn cao như mấy ngày trước.

Tại các điểm bán hàng, chợ và siêu thị người dân tuân thủ hướng dẫn phòng dịch, và duy trì đội ngũ nhân viên nhắc nhở khách hàng rửa tay khô, đeo khẩu trang và đo thân nhiệt. 100% khách hàng hợp tác trong việc phòng, chống dịch. Ý thức phòng dịch tại các chợ dân sinh cũng rất tốt. Người dân đều đeo khẩu trang, một số còn chủ động mang theo nước rửa tay khô.

Đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong vòng 60-90 ngày

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong 2 ngày vừa qua, do nhận thức của một số người dân còn lo sợ, chưa phân biệt được cách ly xã hội và phong toả, lại vội vàng mua sắm, tích trữ hàng hoá. 

Ngay khi nhận được tin, đầu giờ chiều hôm qua (31/3), Sở Công thương đã trao đổi với Sở Thông tin, và gửi thông cáo báo chí, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân, khẳng định trong bất kỳ tình huống nào cũng đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân bình thường. Hiện nay, kho của TP luôn có đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong vòng 60-90 ngày. “Tại một số xã vùng sâu, có hiện tượng người dân đi tích trữ xăng dầu, chúng tôi cũng đã trao đổi với các cửa hàng xăng dầu không bán cho người dân đi mua bằng can”, bà Lan cho biết. 

Sáng 1/4, tình hình tại các siêu thị và các chợ dân sinh đã trở lại bình thường. Sở Công thương đã đi kiểm tra các chợ và siêu thị, lượng người mua bán đã ít hơn. Bà Lan đề nghị các quận, huyện chủ động sử dụng loa truyền thanh tiếp tục tuyên truyền cho người dân không tụ tập đông người tại các chợ.

Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm của người tiêu dùng, song tính đến thời điểm hiện tại, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường thành phố Hà Nội vẫn giữ ổn định. Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn. Số lượng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ, trung tâm thương mại được bảo đảm để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. 

Hiện, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT chủ động quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát và phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý kinh các hành vi doanh hành hóa nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại...; các hành vi thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với nhóm mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ. 

Trong ngày 1/4, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 59 vụ, xử lý: 11 vụ; xử phạt: 46.750.000 đồng. Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 1/4, đã kiểm tra, giám sát, xử lý 7.488 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng. 

Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.

Lưu Hiệp- Ngọc Yến
.
.
.