Hàng bình ổn thị trường sẽ đưa vào phục vụ du lịch

Thứ Tư, 01/05/2019, 09:18
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Sở Du lịch và Ban Quản lý an toàn thực phẩm triển khai xây dựng các tiêu chí nhằm đưa các sản phẩm trong chương trình bình ổn thị trường vào tiêu thụ các nhà hàng từ 3 sao trở lên, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 3.000 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 124 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Bên cạnh đó, có khoảng 180 khách sạn 2 sao, không yêu cầu có nhà hàng nhưng đòi hỏi phục vụ bữa ăn sáng cho khách khi lưu trú, nên cũng có nhu cầu về thực phẩm.

Về khu điểm du lịch, hiện có 50/hơn 180 khu điểm du lịch đã đưa vào hoạt động, Sở Du lịch cũng đã cấp giấy chứng nhận cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ du lịch cho khoảng 140 cơ sở...

“Tuy nhiên, để sản phẩm vào được nhà hàng, khách sạn... thì nhà phân phối sẽ gặp một số khó khăn. Đầu tiên là giá cả, bởi các nhà hàng, khách sạn đã có sẵn nguồn, nên doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường muốn vào thì phải cạnh tranh về giá, đây là yếu tố tiên quyết. Vì vậy, DN cần phải xây dựng lộ trình về giá để thực phẩm của DN dần dần đi vào hệ thống này. Bên cạnh đó, sản phẩm còn phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn, về truy xuất nguồn gốc... Đặc biệt, phải có bao bì đẹp, nhất là những sản phẩm chế biến đóng gói”, bà Hoa lưu ý.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường năm 2019 có 79 DN tham gia, trong đó có 38 DN tham gia ngành hàng lương thực, thực phẩm.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm bình ổn thị trường.

“Sở Công Thương phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Sở Du lịch triển khai thực hiện “Chương trình kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch” là một điểm mới trong chương trình bình ổn thị trường năm nay”, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Đại diện Sở Du lịch cho rằng, với sự phối hợp của 3 đơn vị, Sở Du lịch cũng sẽ kiểm soát được chất lượng đầu vào để khách du lịch an tâm hơn.

Sắp tới, các đơn vị phối hợp thực hiện lộ trình khảo sát nhu cầu của khách sạn, nhà hàng, để biết họ cần sản phẩm gì, sản lượng bao nhiêu... sau đó, sẽ xây dựng danh mục các mặt hàng, tổ chức hội nghị kết nối, quảng bá và theo dõi giám sát để điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhằm giúp DN từng bước đưa hàng bình ổn thị trường vào hệ thống nhà hàng, khách sạn.

T.Hà
.
.
.