Hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài mang lại hiệu quả

Thứ Sáu, 16/10/2020, 08:07
Trong thời gian qua, nhiều loại hàng hoá, sản phẩm, đặc biệt là nông sản, trái cây của Việt Nam đã xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn của các nước, được người tiêu dùng đánh giá cao. Việc xuất khẩu (XK) hàng hoá qua kênh phân phối nước ngoài đã từng bước mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, để hàng Việt đứng vững trên thị trường, đủ sức cạnh tranh thì các nhà mua hàng cho rằng, hàng Việt đặc biệt là doanh nghiệp (DN) Việt cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chuẩn hoá từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hoa quả Việt Nam tại siêu thị AEON Nhật Bản.

Hàng Việt được người tiêu dùng các nước đón nhận

Mới đây, tại sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại siêu thị AEON Lake Town Saitama, Nhật Bản do Tập đoàn AEON phối hợp với Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức trong trung tuần tháng 9 cho thấy, hàng hóa Việt Nam được trưng bày có sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã, với rất nhiều loại mặt hàng như trái cây tươi (dừa, thanh long, chuối…), hàng thực phẩm chế biến (mì, phở ăn liền, gia vị, bia – rượu – nước giải khát…), hàng may mặc, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ… Theo ghi nhận, hàng Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm và đón nhận rất nồng nhiệt, với lượng khách xem và chọn mua hàng lớn.

Từ năm 2016 đến nay, sự kiện thường niên này được Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON tổ chức, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch XK hàng Việt Nam vào hệ thống AEON đạt 500 triệu USD năm 2020 và tăng lên 1 tỷ USD vào năm 2025. Lãnh đạo AEON Việt Nam khẳng định, AEON sẵn sàng làm “bệ đỡ” cho hàng Việt Nam XK ra thế giới. Bằng chứng là riêng năm 2019, tổng kim ngạch XK hàng Việt Nam thông qua hệ thống AEON đạt khoảng 370 triệu USD. Có hệ thống bán lẻ với 16.498 trung tâm, cửa hàng tại Nhật Bản và các nước, AEON hứa hẹn là “cửa ra” hiệu quả cho hàng Việt Nam. Việc hàng hóa Việt Nam được bày bán rộng rãi tại chuỗi siêu thị AEON cũng như các chuỗi siêu thị lớn khác của Nhật Bản sẽ mở ra thêm một cơ hội mới cho hàng hoá, nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, năm 2020 đánh dấu sự kiện lần đầu tiên quả vải tươi Việt Nam thâm nhập được vào một thị trường khó tính như Nhật Bản. Sau những nỗ lực liên tục của cơ quan chức năng hai nước cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, những trái vải tươi Việt Nam được bán đầu tiên tại chuỗi siêu thị AEON với giá cao đã gây được tiếng vang trong dư luận hai nước, đem lại những thành công bước đầu cho XK vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.

Đại diện Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (Tập đoàn TCC - Thái Lan) cũng cho biết, năm 2020 mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19, tuy nhiên số lượng XK một số mặt hàng nông sản của Việt Nam qua kênh phân phối ra nước ngoài vẫn đạt kết quả tích cực. Sản lượng XK của MM Mega Market Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Sau hơn 2 năm nỗ lực đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài, MM Mega Market Việt Nam đã đạt tổng lượng xuất khẩu hơn 3.000 tấn. Ngoài các mặt hàng rau, củ, quả được XK ổn định sang Thái Lan và Singapore, Mega Market Việt Nam cũng đa dạng hóa sản phẩm thủy, hải sản XK đến những thị trường mới như Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc).

Đặc biệt, vừa qua, lô hàng thanh long của Hợp tác xã Thanh Bình và bưởi da xanh mang thương hiệu Cô Gái Bưởi Hồng của Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre đã chính thức được bày bán tại các siêu thị, các cửa hàng rau quả thực phẩm và công ty nước ép tại Canada. Ông Thomas Lam, Trưởng bộ phận mua bán của Công ty ArcEnCiel, công ty chuyên nhập khẩu, bán buôn và phân phối rau quả, thực phẩm (Canada) cho biết, đây là lần thứ 3 mua hàng từ hợp tác xã thanh long Thanh Bình của Việt Nam. Bưởi của hợp tác xã Bến Tre vượt trội hẳn về chất lượng và công ty cũng đã nhận được các yêu cầu từ khách hàng là tiếp tục cung cấp loại bưởi này. Vì vậy, nếu như các hợp tác xã này duy trì được chất lượng như hiện tại thì chắc chắn sẽ cạnh tranh rất tốt tại thị trường Canada.

Nâng chất lượng, mở rộng thị trường

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, bên cạnh việc phát triển hiệu quả hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Wall Mart, Aeon, Central Retail, Lotte và MM Mega Market… còn là kênh XK trực tiếp hữu hiệu, bền vững, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may... đến tay hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới thông qua các hệ thống phân phối ở nước ngoài.   

Tại các cuộc đối thoại, kết nối giữa DN Việt với các nhà phân phối nước ngoài, đại diện các nhà bán lẻ nước ngoài khẳng định, Việt Nam có nhiều sản phẩm tiêu dùng được người nước ngoài ưa thích. Tuy nhiên, tại các thị trường “khó tính” như Nhật, EU, Mỹ… có yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Do đó, việc sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các DN.

Giám đốc Thu mua và Xuất khẩu (Tập đoàn Central Retail - Thái Lan) Karim Noui cho hay, Central Retail luôn tuân thủ tôn chỉ về chất lượng, bởi thế đây là tiêu chuẩn hàng đầu khi XK hàng hóa Việt Nam. Ông Trần Chí Cường, Trưởng phòng phụ trách XK (Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam) cũng cho rằng, vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành là tiêu chí quan trọng trong việc đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19. Vì vậy, các DN Việt Nam nên chú trọng để sản phẩm vừa bảo đảm chất lượng, vừa có giá thành cạnh tranh.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, thời gian qua đơn vị đã đồng hành cùng DN cùng với các ngành chức năng hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời kết nối DN với hệ thống phân phối ngoại. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc tập huấn về phương pháp quản trị hiện đại, đào tạo thiết kế, quảng bá thương hiệu, truy xuất nguồn gốc… qua đó giúp DN đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương cùng với các đơn vị chức năng đã làm việc với nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ toàn cầu. Dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, tuần hàng Việt Nam tại các nước được nhân rộng nhằm hỗ trợ DN tiếp cận thị trường. Đồng thời, qua các hội nghị, tập huấn giúp DN nắm bắt tiêu chí mua hàng, cách cung cấp hàng hóa ra nước ngoài thông qua các hệ thống phân phối.

“Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, XK và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều tại siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn. Từ đó, góp phần mở rộng kênh XK, đưa hàng Việt Nam ra thế giới”, ông Linh khẳng định.

Lưu Hiệp
.
.
.