Hàng Việt phải cạnh tranh bằng tiêu chuẩn quốc tế

Thứ Bảy, 09/03/2019, 08:58
Sau 10 năm đàm phán bền bỉ, đầu năm 2019, trái xoài Việt Nam đã chính thức chinh phục được thị trường xuất khẩu khó tính của Mỹ. Đây cũng là loại quả thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long và Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của quả xoài Việt Nam.

Thực tế cho thấy, để có mặt tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) Việt cần phải nỗ lực rất lớn. “Cần thoát khỏi khái niệm hàng nội, phải xem hàng Việt cũng là hàng quốc tế thì mới dễ dàng cạnh tranh được trong thời buổi hội nhập. Nghĩa là, ngoài đặc tính, mẫu mã, bao bì,… đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải áp dụng theo chuẩn quốc tế” - bà Nguyễn Phi Vân, cố vấn về nhượng quyền Chính phủ Malaysia nhận định.

Theo Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Để trái xoài của Việt Nam vào được thị trường Mỹ đã vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt. Các chuyên gia của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ xác định, xoài Việt Nam nhập vào Mỹ phải theo quy trình được phối hợp quản lý có hệ thống từ khâu trồng cho đến đóng thùng, vận chuyển... nhằm bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng và không còn tồn dư chất bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục BVTV và APHIS cấp mã số để quản lý và truy xuất nguồn gốc; có giấy tờ chứng nhận kiểm dịch thực vật, giấy bảo đảm xoài không có các vết đen làm hư quả…

Bà Nguyễn Kim Thanh – chuyên gia chuỗi an toàn thực phẩm chia sẻ: “Trái xoài của Việt Nam được bay sang Mỹ là tin vui của ngành nông nghiệp. Để có thể “đặt chân” ở thị trường khó tính trên cần cả một quá trình rất dài, khoảng 10 năm theo đuổi mới thực hiện được. Đây là sự ghi nhận DN Việt đã làm đúng và theo chuẩn quốc tế”.

Cũng chinh phục được thị trường xuất khẩu bằng tiêu chuẩn quốc tế, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho biết, để đưa gạo Cỏ May vào thị trường Mỹ và được chấp nhận, Cỏ May có bộ phận quản lý tiêu chuẩn, trước khi xuất hàng đi Mỹ phải nghiên cứu kỹ thị trường và test tất cả những mẫu gạo mà Cỏ May đang có với hơn 200 chỉ tiêu. Nếu có những chỉ tiêu không an toàn thì công ty nhất định không bán.

Hàng Việt cần phải đạt tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Chính vì đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe mà hiện nay gạo Cỏ May tại thị trường Mỹ không đủ hàng để bán. “Nếu nhà máy, dây chuyền có sự tự động hóa cao thì việc đáp ứng các đòi hỏi về tiêu chuẩn của thế giới không khó”, ông Thiện khẳng định.

Bàn về tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa trong nước, bà Nguyễn Kim Thanh khẳng định, mặc dù nhận thức được sản phẩm làm theo chuẩn quốc tế thì sẽ nâng được tầm giá trị. Nhưng, thực tế để thực hiện được việc này không đơn giản. Có thể thấy, hiện nay nông dân cùng DN cũng chỉ mới đi được khoảng 30% của đoạn đường. Nhất là nông dân gặp nhiều khó khăn khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Công Luận – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm Antesco cũng nhìn nhận: Người nông dân thấy xa vời khi nói đến LocalG.A.P (tiêu chuẩn quốc tế) mà chỉ quen VietGap – trong khi tiêu chuẩn này chỉ gói gọn trong thị trường Việt Nam. Hiện, nông dân cũng đã và đang nỗ lực rất nhiều, song tiêu chuẩn LocalG.A.P đối với nông dân chỉ mới bắt đầu.

Ông Luận dẫn chứng: “Chúng tôi từng tìm đất để trồng đậu nành, rau và bắp non theo chuẩn quốc tế. Thế nhưng, gần đến ngày có đoàn đến đánh giá chuẩn thì bất ngờ ở đầu nguồn bỗng xuất hiện chuồng bò. Ngay lập tức, tôi phải đàm phán để tháo dỡ chuồng bò ngay, nếu không thì công sức bỏ ra coi như công cốc”.

Theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ: Có rất nhiều sản phẩm trong nước chưa đạt yêu cầu về chất lượng để xuất khẩu, vì vậy DN Việt cần sản xuất sản phẩm theo chuẩn quốc tế để sản phẩm đi nhanh hơn, xa hơn, dễ dàng hội nhập hơn. Hàng hóa khi đã có tiêu chuẩn tốt sẽ giúp phát triển thị trường, gia tăng lợi nhuận.

Liên quan đến quá trình áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất, đa phần DN và nông dân kêu khó do luôn trong tình trạng tự “bơi”. Vì vậy, cộng đồng DN rất cần cái “bắt tay” của nhà nông, DN và Nhà nước, trong đó Nhà nước bắt buộc phải tham gia vào nền sản xuất.

Xoay quanh vấn đề hỗ trợ sản xuất áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông tin, có hơn 1 triệu tiêu chuẩn được xây dựng và áp dụng trên thế giới. Thời gian qua Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời tham gia 14 tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.

“Tiêu chuẩn quốc tế từng bước khẳng định lòng tin trên thị trường tiêu dùng, mang lại lợi ích cho khách hàng, nông dân, DN, Nhà nước. Chắc chắn Nhà nước sẽ đồng hành cùng DN áp dụng tốt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, phần quyết định vẫn thuộc về DN”, ông Nguyễn Hoàng Linh lưu ý.

Bà Nguyễn Phi Vân khẳng định, hàng Việt muốn cạnh tranh trong thời hội nhập cần phải thoát khỏi khái niệm hàng nội, phải xem hàng Việt cũng là hàng quốc tế. Theo đó, đặc tính, mẫu mã, bao bì... chất lượng sản phẩm phải áp dụng theo chuẩn quốc tế.

Thúy Hà
.
.
.