Gian lận qua thương mại điện tử ngày một tinh vi

Thứ Ba, 26/01/2021, 09:02
Trên mạng xã hội, từ hàng xịn đến hàng giả, hàng cấm kinh doanh như các loại thuốc chưa lưu hành; thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu; các mặt hàng thời trang giả nhãn hiệu, xuất xứ được các chào bán công khai, mua bao nhiêu cũng có, chỉ cần khách hàng có nhu cầu, đặt số lượng và địa chỉ, hàng sẽ được chuyển tới tận nơi…

Sự thuận lợi trên không gian ảo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tiếp cận khách hàng được tốt hơn những đây cũng thách thức đối với cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).

Công khai bán hàng giả, hàng nhái

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng phản ánh việc đặt mua hàng trên các website TMĐT nhưng sản phẩm kém chất lượng, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Quá trình xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận, lực lượng QLTT cũng gặp không ít khó khăn do các trang website TMĐT không cung cấp địa chỉ, thậm chí cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư…

Mặt khác, các website TMĐT thường đăng tải các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng... Đáng chú ý, trên các trang mạng xã hội xuất hiện tình trạng chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa lưu hành; thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu.

Hiện, một số hành vi vi phạm trên TMĐT như đăng tải các hình ảnh, thông tin về thuốc chữa bệnh có kê đơn, rượu, thuốc lá lậu… nhưng chưa có chế tài xử lý. Nhiều đơn vị lợi dụng các ứng dụng trên website hoặc ứng dụng di động để viết bài tư vấn về tác dụng của sản phẩm nhưng không đúng về công dụng của sản phẩm gây hiểu nhầm cho khách hàng.

Thống kê cho thấy, năm 2020, QLTT TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 373 vụ vi phạm TMĐT, phạt tiền 2,34 tỷ đồng; tổng trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 3,4 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra thụ lý 3 vụ. Ngoài ra, đơn vị đã kiểm tra, xử lý hơn 500 vụ vi phạm về hàng giả, hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ dựa trên thông tin từ các website TMĐT. Trong đó, qua công tác kiểm tra về TMĐT đã phát hiện một số vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có nhãn hàng hóa vi phạm về chủ quyền, tranh chấp chủ quyền biển đảo như bản đồ, quả cầu địa lý, bộ đồ chơi lắp ghép hình.

Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc cũng cho biết, việc vận chuyển hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu xuất xứ từ bên kia biên giới qua địa bàn tỉnh vào sâu trong nội địa tiêu thụ diễn ra rất nhiều, do tỉnh có trên 231km đường biên giới với Trung Quốc, trên đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và hàng trăm đường mòn lối tắt.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thống kê hàng hoá vi phạm tại chuỗi cửa hàng AE Shop.

Hiện nay, hoạt động TMĐT phát triển nhanh chóng, các đối tượng tham gia hoạt động TMĐT nở rộ với nhiều thành phần nhưng các đối tượng chỉ giao dịch nhỏ lẻ, thậm chí, chỉ thực hiện rao bán, quảng cáo mà không có lượng hàng hóa thực tế tại địa điểm kinh doanh, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn chấp nhận tiêu thụ hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu với giá rẻ, mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn. Do đó, công tác quản lý, xử lý các vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Mới đây, Tổ công tác triển khai Kế hoạch 399 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Tổ công tác 399) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã tiến hành rà soát việc chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT.

Qua rà soát, Tổ công tác 399 phát hiện trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Hà Nội có một nhóm đối tượng lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…) để quảng bá hoạt động buôn bán các loại quần áo, giày dép, túi xách… có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Luis Vuitton, Adidas, Gucci…, với số lượng lớn tại chuỗi cửa hàng “AE Shop Việt Nam” do đối tượng P.Đ.H (sinh năm 1996, địa chỉ tại Kênh Triều, Gia Lộc, Hải Dương) cầm đầu.

Theo đó, khi lực lượng chức năng kiểm tra tại 3 cửa hàng ở Hải Dương, Bắc Giang; Đông Anh (Hà Nội) đã phát hiện gần 7.000 sản phẩm hàng hiệu “dởm”. Làm việc với đoàn kiểm tra, ông P.Đ.H. thừa nhận việc sử dụng trang Facebook cá nhân có tên “AE Shop” và Zalo số điện thoại 0888994… để giới thiệu, chào bán hàng trực tuyến các sản phẩm quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng. Tại thời điểm kiểm tra, ông P.Đ.H. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Lập lực lượng “đặc nhiệm” chống gian lận thương mại trên mạng

Nhận diện việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân”, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho rằng, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục QLTT đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách chống gian lận trên môi trường Internet. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, năm 2020, QLTT đã xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường Internet, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên các mạng xã hội, kênh bán hàng đa kênh livestream.

“Vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm như đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh… Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 500 triệu đồng đối với Công ty TNHH May Đăng Linh HD về hành vi sản xuất hàng hóa (áo phông) giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ…”, ông Linh nhấn mạnh.

Ông Chu Xuân Kiên còn cho biết thêm, hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng các chung cư, nhiều khu trung tâm thương mại bỏ trống để đặt kho hàng khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện để TMĐT phát triển thì cũng cần tăng cường các giải pháp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.

Để phát huy hiệu quả của hoạt động TMĐT, theo ông Chu Xuân Kiên, thời gian tới cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong Luật TMĐT, Luật Công nghệ thông tin nhằm quản lý tiến trình giao dịch trên mạng, làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động giao dịch TMĐT.

Đồng thời, bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website TMĐT, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT. Đối với website TMĐT vi phạm, cần có biện pháp buộc tổ chức, cá nhân chủ sở hữu gỡ bỏ các thông tin vi phạm hoặc kiến nghị tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ thu hồi vĩnh viễn tên miền.

 Tổng cục QLTT cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các nhà mạng và ngân hàng cùng quản lý, giám sát thông tin, số lượng, chủng loại hàng hóa, doanh thu của người kinh doanh để xác định có hay không hành vi vi phạm về hoạt động TMĐT. Đồng thời, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thường xuyên thanh tra, giám sát các hoạt động này tại các ngân hàng, các điểm dịch vụ giao nhận hàng hóa để tránh tình trạng doanh nghiệp gian lận trốn thuế.

 “Người dân khi tham gia mua hàng cần quan tâm đến tính minh bạch của các trang TMĐT, không mua hàng ở những nơi không có địa chỉ rõ ràng hoặc niêm yết giá bán rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế hàng hóa”, ông Chu Xuân Kiên khuyến cáo.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, thời gian tới, lượng QLTT tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại qua TMĐT. Qua đó, để có điều kiện phối hợp với các lực lượng chức năng, lực lượng QLTT sẽ thành lập lực lượng chuyên trách về TMĐT, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an, cũng như tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp phòng, công các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu.

Lưu Hiệp
.
.
.