Giải pháp cấp bách để tăng cường quản lý xuất xứ hàng hóa

Thứ Hai, 09/12/2019, 09:24
Trong thời gian qua, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.


Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực giúp hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi khi chuẩn bị xuất khẩu (XK) sang nhiều thị trường. Nhưng trong thời gian qua, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo công bố mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ bị áp dụng biện pháp trừng phạt, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại không thể tính toán được đối với nền kinh tế nước ta.

Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm hành vi: Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm…

Tăng cường nguồn nhân lực thực hiện cấp C/O để bảo đảm việc cấp C/O theo đúng quy trình theo quy định. (Ảnh minh hoạ internet)

Theo Tổ công tác, nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do hành lang pháp lý hiện chưa theo kịp diễn biến thực tế. Quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo; việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa. 

Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi XK để thực hiện hành vi gian lận về chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa hoặc lợi dụng việc cấp các loại Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự C/O để gian lận… (Ví dụ, VCCI cấp Giấy chứng nhận một công đoạn gia công được thực hiện tại Việt Nam hoặc hàng hóa được XK từ Việt Nam, không có ý nghĩa trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam). Chưa có sự phối, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng kiểm soát, quản lý sản xuất trong nước với cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Trước thực trạng hàng hoá Việt Nam bị gian lận xuất xứ, Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ. 

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, trình trong tháng 12-2019. Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mới đây, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, lấy ý kiến các Bộ ngành.

 Bên cạnh đó, Bộ cũng thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa.

Lưu Hiệp
.
.
.