Gia tăng tranh chấp thị trường mua bán - sáp nhập

Thứ Ba, 25/12/2018, 08:51
Thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) Việt Nam đang không ngừng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì M&A vẫn có những rủi ro đi kèm.

Vì vậy, hội thảo “Giao dịch M&A – Nhận diện rủi ro pháp lý phòng ngừa và giải quyết tranh chấp”, do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức ngày 20-12 tại TP Hồ Chí Minh, đã phần nào giúp doanh nghiệp (DN) những thông tin cần thiết trong việc nhận diện rủi ro pháp lý thường gặp và cách phòng ngừa, giải quyết các tranh chấp từ giao dịch M&A.

TS Trần Du Lịch – Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, thị trường M&A qua một thập niên tương đối sôi nổi và trong bối cảnh nền kinh tế đang diễn biến khá tích cực. Chính vì vậy, 10 năm qua giai đoạn 2009 – 2018, các hoạt động M&A khoảng hơn 4.300 thương vụ, doanh số đạt 49 tỷ USD, là con số không nhỏ. Chúng tôi nghĩ rằng, thị trường sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới cùng với sự khởi sắc đi lên của nền kinh tế Việt Nam.

Và cũng chính vì vậy, việc quan tâm đến các nhà đầu tư rủi ro trong các thương vụ này cũng bắt đầu, đặc biệt rủi ro về pháp lý dẫn đến đổ bể thương vụ thậm chí xảy ra những tranh chấp. “Khi chúng tôi VIAC và KCAB, cùng lên ý tưởng rằng: Có lẽ giống như các lĩnh vực khác, ở giai đoạn đầu phát triển M&A, các mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng DN, các nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường sẽ quan tâm đến các chính sách như thuế, đặc biệt khuôn khổ pháp lý cho thị trường vận hành, chính sách quản lý cạnh tranh Nhà nước, các xu hướng trên thị trường và khi thị trường đã bắt đầu đi vào hoạt động ổn định sẽ đặt ra những vấn đề rủi ro pháp lý cần tháo gỡ.

“Chính vì cách nhận định như vậy, hội thảo này hy vọng rằng, sẽ tạo ra một cơ hội để các DN có hoạt động M&A, các DN tham gia thị trường M&A có vai trò tư vấn hỗ trợ giao dịch M&A sẽ tiếp cận những thông tin hữu ích từ các chuyên gia đã nghiên cứu, theo dõi, trực tiếp tham gia vào lĩnh vực M&A liên quan đến vấn đề nhận diện những rủi ro pháp lý, để từ đó có phương án phòng ngừa, quản lý các tranh chấp hiệu quả”, TS Trần Du Lịch nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam là thị trường mới nổi trong hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) nhưng đã tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Dự báo năm 2018 giá trị M&A đạt mốc 6,5 – 6,9 tỷ USD, tăng hơn 2017. “Cơ hội ở thị trường M&A Việt Nam là rất lớn. Ngoài hoạt động giao dịch giữa các DNTN với nhau, việc tái cơ cấu DN Nhà nước chắc chắn hứa hẹn nhiều thương vụ lớn, đặc biệt quá trình cổ phần hóa DN”, ông Phạm Duy Nghĩa – giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh.

Theo thông tin từ VIAC, số vụ tranh chấp VIAC thụ lý đang ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2011 chỉ có 80 vụ tranh chấp, đến năm 2013 tăng lên 100 vụ, 2015 hơn 140 vụ và đến năm 2018 có gần 160 vụ tranh chấp giữa bên bán và bên mua. Ngoài số vụ ở thị trường trong nước, DN Việt Nam còn dính 12 vụ với trọng tài nước ngoài.

Theo TS.Trần Du Lịch, hầu hết các vụ tranh chấp M&A đều liên quan đến pháp lý. Thị trường M&A tuy mới nhưng phát triển sôi nổi, trong đó khung pháp lý hoạt động khá mới mẻ nên hoạt động của thị trường này chưa chặt chẽ. Chưa kể M&A lại bị tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài và hai bên, kể cả những chính sách liên quan.

Trong hoạt động kinh doanh khó tránh khỏi các rủi ro, tranh chấp, tuy nhiên các DN cần thận trọng nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại không đáng có về thời gian, tiền bạc. Ông Phạm Duy Nghĩa khuyến cáo, nhằm hạn chế tranh chấp từ M&A, DN nên thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng tránh những rủi ro về tài chính. Trường hợp vi phạm hợp đồng có thể khởi kiện.

Theo chuyên gia kinh tế, không may xảy ra tranh chấp từ M&A, thay vì chờ toà án xét xử, DN nên tìm đến trọng tài thương mại để giải quyết.

Luật sư Đặng Xuân Hợp – trọng tài viên của VIAC cho rằng, để không bỡ ngỡ khi tranh chấp xảy ra, DN cần tìm hiểu và tiếp cận trọng tài thương mại. Bởi vì giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tiên tiến, hiệu quả được sử dụng rộng rãi hiện nay. Giải quyết tranh chấp ngoài tòa án là xu hướng chung tại Việt Nam và khu vực.

Thúy Hà
.
.
.