Giá hàng hóa ổn định dịp Tết nhờ chủ động nguồn cung

Thứ Ba, 12/02/2019, 07:36
Ngày 11-2, theo ghi nhận của PV Báo CAND, sau thời gian dài nghỉ Tết nguyên đán, các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị đã kinh doanh trở lại nhưng hoạt động vẫn còn thưa thớt do sức mua của người tiêu dùng (NTD) còn yếu.

Tại chợ Phước Long (quận 7), các mặt hàng phổ biến nhất được bày bán là hoa tươi, trái cây các loại, rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc gia cầm. Chị Trần Thị Nga (ngụ quận 7), cho biết dù đã là mùng 7 Tết nhưng hàng hóa không được dồi dào như ngày thường, chủ yếu là các loại thực phẩm thiết yếu như rau, thịt, cá… Giá cả một số mặt hàng thấp hơn so với những ngày cận Tết. Chẳng hạn như thịt gà ta trước Tết khoảng 110 -150.000 đồng/kg, nay có giá 100.000 đồng/kg; thịt bò có giá 280.000 - 330.000 đồng/kg... Riêng các loại thủy hải sản và rau củ quả thì giá vẫn ổn định so với những ngày cận Tết. 

Chị Trần Thị Thanh (tiểu thương tại chợ Tân Mỹ, quận 7) cho biết, do thời gian nghỉ Tết dài ngày, mặc dù là ngày đi làm trở lại nhưng nhiều người vẫn còn ở quê hay đi du xuân, đi lễ, đi chùa đầu năm nên mua sẵn thức ăn dự trữ từ trước Tết. Do vậy, nguồn cung chưa đa dạng, chủng loại mặt hàng ít hơn ngày thường.
Người tiêu dùng mua sắm nhiều tại siêu thị do có nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá và đa dạng hàng bình ổn thị trường.

Đánh giá lại tình hình kinh doanh trong những ngày Tết, sáng ngày 11-2, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh – Saigon Co.op (SGC), đã có buổi báo cáo nhanh với đoàn lãnh đạo và đại diện các ban, ngành TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh doanh Tết Kỷ Hợi. 

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực SGC, với tinh thần trách nhiệm cao, hệ thống bán lẻ của SGC đã thực hiện tốt 5 cam kết quan trọng của đơn vị với NTD và lãnh đạo thành phố vào mùa Tết. Các cam kết bao gồm: không lo thiếu hàng hóa và hàng bình ổn giá, không lo hàng hóa tăng giá, không lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng công nghệ giúp khách hàng trải nghiệm thú vị và các hoạt động nghĩa tình với tổng cộng hơn 10.000 phần quà Tết đã được trao cho các trường hợp khó khăn bên trong và ngoài đơn vị.

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers… của SGC, lượng khách mua sắm trong những tuần cận Tết tăng gấp 4 lần. Khối lượng hàng hóa đặc trưng Tết rất phong phú và giá tốt, nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, các dịch vụ tiện ích và các món Tết nấu sẵn tiện lợi rất được NTD ưa chuộng, các loại trái cây, đặc sản các vùng miền hết sức đa dạng. Đặc biệt suốt mùa Tết không phát hiện hay ghi nhận trường hợp nào liên quan đến thực phẩm bẩn hoặc ngộ độc. 

Với công tác chuẩn bị hàng hóa tốt, kết hợp với việc tổ chức bán hàng khoa học, phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại, doanh số bán hàng Tết Kỷ Hợi của SGC đạt gần 8.000 tỉ đồng trong 8 tuần kinh doanh Tết. Đây được xem là con số doanh thu cao kỷ lục trong mùa Tết của hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay.

Tương tự, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng trứng, thực phẩm chế biến, cũng tiêu thụ khá mạnh trong dịp Tết. Điển hình như Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt trong 3 ngày cao điểm cận Tết (từ 26-29 tháng Chạp) tiêu thụ khoảng 5 triệu quả trứng, cao nhất trong 3 mùa cao điểm Tết gần đây.

Theo lãnh đạo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, trong mùa kinh doanh cao điểm Tết Kỷ Hợi 2019, đã có sự vào cuộc, dẫn dắt mạnh mẽ của nhiều DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (BÔTT). Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, sản lượng hàng hóa bình ổn cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường, tăng bình quân khoảng 10% - 15% so với kế hoạch thành phố giao, với giá bán ổn định liên tục trong 2 tháng trước và sau Tết, hàng bình ổn đã tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá hàng Tết.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Tết năm nay, các DN BÔTT đã chuẩn bị lượng hàng cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết trị giá 18.424,8 tỷ đồng (tăng 3,44% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018), trong đó, giá trị chuẩn bị nguồn hàng BÔTT là 7.532,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 6-1 đến 4-2-2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng, trong đó hàng BÔTT là 4.211,8 tỷ đồng. 

Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% - 58% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)... Kết quả thực hiện của các DN BÔTT về doanh thu ước đạt 19.822 tỷ đồng, trong đó, doanh thu hàng BÔTT ước đạt 8.450,8 tỷ đồng, tăng 11,65% so với Tết Mậu Tuất 2018.

Ngoài việc góp phần đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường Tết, các DN cũng đã tổ chức các đợt bán hàng lưu động với 348 chuyến, doanh thu bán lưu động ước đạt 8,81 tỷ đồng.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, thị trường Tết năm nay ổn định về giá, hàng hóa cung ứng dồi dào, phong phú. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực.

T.Hà
.
.
.