Gà đồi Yên Thế giá cao, chất lượng chưa cao

Chủ Nhật, 22/10/2017, 10:01
Nhu cầu tiêu thụ gia cầm, đặc biệt là gà trên địa bàn Hà Nội rất cao, gà Yên Thế đã tiếp cận thị trường Hà Nội nhiều năm nay nhưng chưa đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng từ giá cả tới chất lượng. Theo nhận định, giá gà Yên Thế còn cao nhưng chất lượng khá "khiêm tốn", trong khi đó, lượng cung về thị trường Hà Nội khá phập phù, có giai đoạn gần như chững hẳn.

Gà vẫn chủ yếu tiêu thụ tại các chợ

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) do tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra sáng 21-10, đại diện Sở NN&PTNT Bắc Giang thông tin, hiện tại tổng đàn gà của tỉnh đạt 18 triệu con, tổng sản lượng đạt 34.000 tấn. Trong đó, đàn gà thương phẩm của huyện Yên Thế đạt 14 triệu con, tổng sản lượng đạt khoảng 23.500-28.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Có 10 trang trại chăn nuôi gà đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Trên 2.000 hộ chăn nuôi, quy mô từ 500-1.000 con, trên 7.000 hộ chăn nuôi, quy mô từ 1.000-2.000 con, 230 hộ chăn nuôi quy mô trên 2.000 con, cá biệt có những hộ nuôi 7.000-9.000 con/lứa và nhiều lứa/năm. 

Hiện gà đồi Yên Thế được tiêu thụ tại nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ. Về gà lông, hiện có trên 100 thương nhân tham gia tiêu thụ gà lông trên địa bàn, số gà lông này được các thương nhân trực tiếp thu mua tại một số điểm nhất định, sau đó vận chuyển và đưa đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối: Hà Vĩ, chợ Bắc Thăng Long, chợ Lam Điền (Chương Mỹ, Hà Nội), chợ La Khê (Hà Đông, Hà Nội) và một số khu công nghiệp lớn ở phía Bắc.

Sản lượng tiêu thụ trung bình đạt khoảng 20.000-30.000 con/ngày, có thời điểm lên đến 45.000 con/ngày, trong đó, thị trường Hà Nội chiếm 58-60%. Bên cạnh đó, hiện có 2 cơ sở tham gia chế biến gà Yên Thế là Công ty cổ phần Giang Sơn với dây chuyền giết mổ công suất khoảng 2.000 con/ngày và HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế.

Đàn gà đồi Yên Thế năm nay đạt 14 triệu con.

Tuy nhiên, gần đây, nhu cầu thị trường giảm, lượng gà giết mổ tại các cơ sở này chỉ đạt 100-120 con/ngày, chủ yếu tiêu thụ tại một vài siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Giá gà từ 2016 đến nay tương đối ổn định, bình quân gà mía lai tại Yên Thế từ 50.000-55.000 đồng/kg; gà ri lai 58.000-65.000 đồng/kg; gà lông được kẹp chì gắn tem nhãn bán từ 70.000-75.000 đồng/kg.

Ông Lê Xuân Viết, Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ cho biết, từ năm 2015-2017, gà Yên Thế về chợ trung bình từ 1-2 tấn/ngày, thậm chí có ngày không có xe nào. Ông Viết cho rằng, lượng gà về chợ phải ổn định, cung cấp cho thị trường thường xuyên và liên tục.

Cần chiến lược xây dựng thương hiệu gà đồi Yên Thế

Thực tế, dù gà Yên Thế được chính thức giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng Thủ đô từ những năm 2013-2014 nhưng đến nay, lượng tiêu thụ vẫn không thể tăng thêm, thậm chí là giảm đi bởi giá cả cũng như chất lượng gà không xuất sắc. Người tiêu dùng Thủ đô sau thời gian đầu hào hứng được tiêu dùng gà có nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm dịch nghiêm túc thì sau đó cũng nhanh chóng thất vọng.

Chị Ngô Thúy Hương, ở Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông nhận định: “Thời gian đầu, khi gà đồi Yên Thế được giới thiệu rộng rãi về Hà Nội, tôi khá hào hứng đón nhận, cũng đã vài lần mua về cho cả nhà thưởng thức nhưng ai ăn xong cũng lắc đầu, thất vọng. Thịt gà khá bở, như gà lông màu bán tại các chợ dân sinh, ưu điểm duy nhất là mình biết được rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, nhu cầu tiêu thụ của Hà Nội về gia cầm khoảng 10-12 tấn/ngày, cao điểm 15 tấn, vì vậy cần đẩy mạnh tiêu thụ gà hơn nữa. Song, bà Lan cũng cho rằng, UBND tỉnh Bắc Giang nên tiếp tục chỉ đạo sản xuất, kiểm soát được chất lượng ngay từ khâu sản xuất, để gà có chất lượng đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì chắc chắn, sản lượng tiêu thụ sẽ rất cao. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, tỉnh Bắc Giang cùng các ngành đã tạo ra được thương hiệu con gà Yên Thế là đáng quý nhưng thực tế chưa phản ánh đúng giá trị thực do nghiên cứu xúc tiến thương mại chưa đủ liều.

“Cần có chiến lược mới nâng tầm con gà đồi Yên Thế trên cơ sở đưa khoa học công nghệ vào, cơ cấu lại sản xuất, sản xuất mang bản sắc văn hóa thời đại với công nghệ 4.0. Để từ sang năm không phải tổ chức xúc tiến tiêu thụ gà mà là ngày hội gà Yên Thế để từng bước có sản vật của Bắc Giang, du lịch nông nghiệp, du lịch giới thiệu sản phẩm bàn việc con gà tầm cỡ Việt Nam. Đề nghị Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho xây dựng bài hát về con gà đồi”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT bày tỏ.

Diệp Linh
.
.
.