FTAs tạo lực đẩy cho xuất khẩu những tháng cuối năm

Thứ Năm, 24/09/2020, 09:53
Việt Nam hội nhập sâu rộng, tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt mới đây EVFTA có hiệu lực là một trong những sức hút của Việt Nam, đồng thời cũng là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu (XK), thu hút FDI trong thời gian tới.

Tín hiệu tích cực lớn nhất là XK hàng hoá Việt Nam vào thị trường EU, tận dụng được cơ hội từ EVFTA đi vào thực thi, theo đó nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU như: Tôm nước lợ tại Ninh Thuận; cà phê, chanh leo (chanh dây) tại Gia Lai… Điều đó cho thấy các doanh nghiệp (DN) đã có sự chuẩn bị và nắm bắt cơ hội tốt từ thị trường EU.

Mới đây, ngày 17-9, lô hàng trái cây đầu tiên đã được XK sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Lô hàng gồm một container dừa tươi bằng đường tàu biển và 3 tấn thanh long, 12 tấn bưởi bằng đường hàng không sang thị trường EU. 

Công ty Vina T&T Group – chủ lô hàng đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn Global GAP, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU. Sau lô hàng này, sắp tới, trung bình mỗi tuần công ty sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang thị trường EU.

CPTPP và EVFTA là những hiệp định tiến bộ, đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ ngày 1/8 đến 31/8/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... 

Riêng với mặt hàng gạo, sau 1 tháng triển khai EVFTA, DN XK gạo hưởng lợi khá lớn bởi thuế suất mặt hàng này về 0%. Nhờ đó, giá XK gạo đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi đó, trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương, EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử… Đối với ngành hàng thuỷ sản, sau hơn một tháng EVFTA có hiệu lực, số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7-2020. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, để tận dụng các ưu đãi  EVFTA mang lại, ngành Thủy sản cần tháo gỡ 4 “rào cản” về chuỗi cung ứng vật tư; cung ứng giống cho nuôi trồng thủy sản; phát triển thị trường; cơ sở hạ tầng phục vụ XK thủy sản. 

Thời gian tới, để mở rộng thị phần tại châu Âu, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện để DN đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn; khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và giảm dịch bệnh. Bên cạnh đó quyết liệt hơn trong việc gỡ “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, uy tín, mở rộng thị phần tại thị trường có giá trị cao này.

TS. Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, các FTAs mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có những yêu cầu khắt khe, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và EVFTA, do đó DN cần chủ động nâng cấp kỹ năng, năng lực của đội ngũ nhân viên làm nghiệp vụ XK, đáp ứng yêu cầu thực hiện các hợp đồng theo chuẩn quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hiệp định CPTPP và EVFTA là những hiệp định tiến bộ, được đánh giá là đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi của Hiệp định này.

Lưu Hiệp
.
.
.