Doanh nghiệp “bỏ quên” kênh phân phối truyền thống

Chủ Nhật, 16/10/2016, 08:32
Hiện nay tại thị trường nội địa, hàng ngoại – đặc biệt là hàng Thái đang ngày càng áp đảo các kênh phân phối hiện đại. Trong khi đó, tại chợ truyền thống, thị trường nông thôn, hàng Việt khan hiếm nhưng doanh nghiệp (DN) ít quan tâm đến phân khúc này...


Sau thương vụ thâu tóm thành công hai hãng bán buôn, bán lẻ lớn nhất thị trường Việt Nam là Metro và Big C của các đại gia Thái Lan, giờ đây khi đến hai hệ thống siêu thị này, người tiêu dùng (NTD) dễ dàng nhận thấy trên các quầy kệ trưng bày đa số hàng hóa Thái, từ những vật dụng nhỏ nhất như tăm tre, thìa, muỗng, chén... đến các ngành hàng may mặc, giày dép, hóa mỹ phẩm, trái cây, rau củ quả...

Trong khi đó, các DN muốn đưa hàng Việt vào các hệ thống siêu thị này đã gặp ngay phải rào cản, đó là mức chiết khấu quá cao và nhiều đòi hỏi khắt khe khác. Nếu DN Việt nào may mắn lọt vào được siêu thị của người Thái thì cũng sẽ rất khó trụ vững vì không thể cạnh tranh nổi với hàng Thái về giá. Hơn nữa, hàng Thái được ưu tiên trưng bày ở những vị trí đẹp, NTD dễ dàng lựa chọn, là những lợi thế để đánh bật hàng Việt ra khỏi quầy kệ các siêu thị do người Thái làm chủ.

Tương tự, hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản), mặc dù không đến nỗi khắt khe đối với hàng Việt như những siêu thị Thái, nhưng tỷ lệ hàng Nhật và các nước khác đưa vào hệ thống siêu thị này ngày càng nhiều. 

Hiện, Aeon có 4 trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall tại Việt Nam, nhưng trong tương lai tập đoàn Aeon Việt Nam hướng tới mở 20 TTTM Aeon Mall và song song đó, đẩy mạnh hợp tác, mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước, mục tiêu sẽ mở 100 siêu thị tại Việt Nam (hiện Aeon đã sở hữu 49% cổ phần hệ thống 30 siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart).

Hàng Việt tại siêu thị.

Thực tế đó cho thấy, trong tương lai không xa, tại các hệ thống siêu thị, TTTM của các nhà đầu tư ngoại, hàng ngoại  sẽ thay thế dần hàng Việt và đến một lúc nào đó hàng Việt có nguy cơ bị “hất văng” ra khỏi siêu thị, TTTM là điều không tránh khỏi.

Trước thực trạng trên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP HCM khẳng định: “Mỗi DN cần xây dựng chiến lược mở rộng thị trường phù hợp. Phải xác định rõ từng phân khúc cụ thể cho từng thị trường và từ đó xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm. Đặc biệt cần có sự liên kết giữa các DN để tạo nên sức mạnh. Có như vậy mới có thể cạnh tranh trực diện với DN ngoại”.

Nếu như tại các hệ thống phân phối hiện đại siêu thị, TTTM của DN ngoại, khó có chỗ cho DN Việt chen chân thì tại kênh phân phối chợ truyền thống, còn rất nhiều “đất” để DN Việt “canh tác”, nhưng thị phần này dường như DN đã bỏ quên.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ lớn, là đầu mối chuyên cung ứng số lượng lớn hàng về các tỉnh đóng trên địa bàn TP HCM như: Chợ An Đông (quận 5), nổi tiếng với hàng may mặc (chủ yếu quần Jean) nhưng phần lớn là hàng xuất xứ Trung Quốc; Chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chuyên buôn bán sỉ hàng may mặc, giày dép, nhưng hầu hết các mặt hàng này được sản xuất từ những cơ sở gia công nhỏ lẻ, hộ gia đình, không có thương hiệu; Chợ Bến Thành (quận 1) nổi tiếng là chợ cho du khách nước ngoài nhưng được biết đến lại là “trung tâm” kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Mới đây Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đồng loạt kiểm tra 17 điểm kinh doanh hàng thời trang tại chợ Bến Thành, thu giữ tổng cộng hơn 2.000 sản phẩm là các mặt hàng túi xách, mắt kính, đồng hồ... giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Casio, Rolex, Omega... trong đó có một lượng hàng không có hóa đơn, chứng từ...

Nhìn chung, hàng hóa bán tại các chợ truyền thống, phần lớn là hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng không rõ ràng. Hàng Việt chủ yếu là hàng gia công của những đơn vị sản xuất nhỏ, không có tên tuổi trên thị trường hoặc các làng nghề thủ công. Còn các DN lớn hầu như không tham gia vào kênh phân phối này.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có hơn 9.000 chợ truyền thống, phân phối khoảng 80% lượng hàng hóa đến tay NTD. Trong điều kiện hiện nay, NTD mất niềm tin vào hàng Trung Quốc, nếu DN biết cách khai thác thì đây là kênh truyền bá, tiêu thụ hàng Việt rất hiệu quả.

Bên cạnh kênh phân phối chợ truyền thống, thị trường nông thôn hiện nay cũng có rất nhiều nơi đang thiếu vắng hàng Việt nhưng các DN chưa tận dụng triệt để kênh phân phối này. Điển hình như trong tháng 9 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn ở tỉnh Quảng Ninh.

Điểm dừng chân đầu tiên là thị trấn Đầm Hà, nơi có hơn 40% hàng hóa là của Trung Quốc, nên khi nghe tin có hàng Việt đổ về, người dân háo hức đi mua sắm và đã có nhiều DN đã bị “cháy hàng” so với dự kiến. Tương tự, tại huyện Bình Lưu, giáp biên giới Việt - Trung, tại đây hệ thống phân phối, bán lẻ, các chuỗi cửa hàng bách hoá, tạp hoá rất ít. Vì vậy, sản phẩm tiêu dùng nhanh của DN rất hút hàng...

Theo đánh giá của đơn vị tổ chức, đây được xem là thị trường tiềm năng, là mảnh đất màu mỡ cho các DN khai thác.

T.Hà
.
.
.