Giải quyết khủng hoảng giá thịt lợn:

Điều chỉnh thói quen tiêu dùng, ưu tiên đầu tư sản xuất thịt mát

Chủ Nhật, 24/11/2019, 09:57
Không chỉ tăng giá kỷ lục, dự báo cuối năm nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ từ phía các bộ, ngành, nhiều khả năng trên mâm cỗ Tết Nguyên đán của nhiều gia đình sẽ thiếu vắng thịt lợn.


Hiện nay, theo ước tính của Bộ Công Thương, đến cuối năm chúng ta sẽ thiếu hơn 200.000 tấn thịt lợn. Vậy làm thế nào để có thể giải quyết tình trạng này cũng như nhìn xa hơn, có những phương án nào để chúng ta có thể chủ động được nguồn cung cũng như điều tiết được giá thịt lợn? 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS- TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp - Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công thương xung quanh vấn đề này.               

Phóng viên: Thưa ông, giữa cơn “bão giá” thịt lợn hiện nay, bản chất của việc tăng giá liên tục có phải do các chi phí đầu vào tăng, hay chỉ đơn thuần là do nguồn cung thiếu hụt? Và hiện nay, nguồn cung trên thị trường chủ yếu ở doanh nghiệp chăn nuôi. Như thế thì có phải các doanh nghiệp đang nắm giá thịt lợn trong tay và muốn đẩy giá thế nào cũng được theo ý muốn của họ?

PGS – TS Phạm Tất Thắng: Việc tăng giá đột biến này không nằm ở lý do các yếu tố đầu vào trong quản trị sản xuất mà nó nằm ở sản lượng thịt lợn tung ra thị trường. Hiện nay, chúng ta thấy rằng chuồng của dân không còn lợn. Đây là yếu tố cơ bản nhất. 

Thứ hai là nhiều trang trại không tái đàn, sợ nhiễm lại dịch. Các cơ quan quản lý cũng kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ việc tái đàn để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại. Thứ ba là con giống thực tế giá rất đắt, đắt hơn so với trước đây rất nhiều. Đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến tái đàn.

Đứng về phía các hộ nông dân thì người ta đang găm hàng lại, để chờ lên giá, thật được giá mới bán. Găm lại, xuất chuồng chậm hơn một chút cũng là để lợn tăng trưởng thêm (giai đoạn này lợn tăng trưởng rất nhanh). 

Lượng dự trữ thịt lợn ở các doanh nghiệp lớn hiện nay ở mức 100.000 tấn. Nếu đưa ra thị trường sẽ giảm được phần nào căng thẳng. Nhưng hiện các doanh nghiệp này phải dự trữ để chuẩn bị cho Tết. Vì thế, vừa rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương cũng đã đưa ra đề xuất các doanh nghiệp giảm căng thẳng cho thị trường. Nhưng tôi cho rằng, hai Bộ lo nhất là sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là việc phải tính toán kỹ lưỡng. 

Bộ Công thương đang có phương án, nếu thị trường cứ căng thẳng như thế này, giá thịt lợn trên thị trường đang 170.000 - 180.000 đồng/kg, thậm chí có chỗ 200.000 đồng/kg thì chỉ cần cho một vài doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn đã qua chế biến, đảm bảo và nhập qua con đường chính ngạch thì thị trường hạ nhiệt ngay.

PGS-TS Phạm Tất Thắng.

Phóng viên: Đang có sự khác biệt trong quan điểm của hai cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT. Trong khi Bộ Công thương đưa ra con số thiếu 200.000 tấn thịt lợn thì Bộ NN&PTNT lại cho rằng nguồn cung cho dịp cuối năm là đủ. Vậy quan điểm của ông thế nào về việc có nên nhập khẩu thịt lợn hay không?

PGS- TS Phạm Tất Thắng: Đúng là ở đây có một vấn đề, có sự khác nhau giữa quan điểm của Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT. Bộ NN&PTNT lo sợ nhập vào ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Qua mỗi lần biến động của thị trường, chúng ta thấy một vấn đề lớn là sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa được “xuôi chèo mát mái” lắm. Ngay như chúng ta đang thấy, Bộ NN&PTNT thì bảo đủ, Bộ Công thương lại bảo thiếu. 

Khi xuất hiện dịch, đáng lẽ sự phối hợp giữa các bộ, các ngành tốt hơn nữa trong việc ngăn chặn dịch này, khống chế nó không để lây lan. Đặc biệt là đền bù cho người chăn nuôi có lợn bị dịch hơi chậm nên dẫn đến tình trạng thịt lợn nhiễm bệnh lan nhanh chóng từ miền Bắc vào miền Nam.

Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do, thuế suất bằng 0% rồi thì việc nhập khẩu là bình thường. Khi chúng ta nhiều thì chúng ta xuất khẩu, khi chúng ta thiếu thì chúng ta nhập khẩu. Tôi cho rằng nếu tình hình cứ căng thẳng như thế này thì chắc chắn chúng ta sẽ phải nhập. 

Với việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do, hiện nay chúng ta đã có được 24 quốc gia có khả năng xuất khẩu một cách chính ngạch thịt lợn vào thị trường Việt Nam, thuế suất rất thấp bằng 0% như Hàn Quốc, Australia, Nhật, Malaysia, Nga, New Zealand. Vì thế nếu trong nước không đủ thì chúng ta có thể cho phép nhập khẩu từ những thị trường này để đảm bảo nguồn cung tốt hơn.

Phóng viên: Rõ ràng, chúng ta chưa thấy sự chung tay của các doanh nghiệp góp phần giảm giá thịt lợn. Chỉ cần các doanh nghiệp san bớt phần dự trữ trong kho thì giá thị trường sẽ được hạ “nhiệt” ngay. Tuy nhiên, hầu như không có doanh nghiệp nào đứng ra khẳng định mình sẽ góp phần giảm giá thịt lợn. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

PGS-TS Phạm Tất Thắng: Đúng quá, họ có dự trữ và dự trữ khá nhiều. Nhưng họ sợ bây giờ xả kho thì đến Tết họ sẽ bị rỗng. Thật ra, giá cả thực sự căng thẳng nhưng chỉ cục bộ chứ không phải ở tất cả toàn quốc, tập trung ở một số vùng như Cao Bằng, Lạng Sơn. 

Ở đây cũng có một lý do là các thương lái gần đây đã thu vét thịt lợn và thổi giá lên cao, đưa mặt hàng thịt lợn xuất khẩu qua biên giới để kiếm lời, vì phía bên kia biên giới thị trường người ta đang hỏi giá cao hơn rất nhiều. Chỉ cần đưa lọt sang bên kia biên giới là đã có sự chênh lệch giá rồi. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần phải lưu tâm.

Phóng viên: Nhập khẩu thịt lợn là giải pháp trước mắt để bình ổn giá thịt lợn nhưng căn cơ nhìn về lâu dài, theo ông, cần có những giải pháp gì để tránh tình trạng lúc khủng hoảng thừa, khi khủng hoảng thiếu như hiện nay?

PGS-TS Phạm Tất Thắng: Tôi ví dụ một biện pháp là phát triển làm thế nào nuôi lợn ở những trang trại lớn, có đầy đủ điều kiện về vệ sinh an toàn và khống chế dịch bệnh nhưng chúng ta làm cũng chưa được rốt ráo. Và đặc biệt là phải đầu tư cho các nhà máy chế biến, giết mổ tập trung để cung cấp cho thị trường thịt lạnh, thịt mát. 

Đây là một trong những xu thế lâu dài, nếu chúng ta làm được điều này thì không những chúng ta đảm bảo được cung cấp ổn định cho thị trường nội địa mà chúng ta còn có điều kiện để đưa mặt hàng rất có tiềm năng của chúng ta sang thị trường nước ngoài. 

Chúng ta có đường biên rất dài với Trung Quốc mà nhu cầu thịt lợn của quốc gia này là rất lớn. Nếu chúng ta phát triển được theo hướng đó thì rất có thể chúng ta đàm phán với bạn đưa xuất khẩu thịt lợn vào chính ngạch như vừa rồi chúng ta xuất khẩu sữa tươi. 

Chúng ta thấy một hiện tượng rất kỳ lạ là chẳng có quốc gia nào mà lại đi xuất khẩu lợn sống. Rồi trên dọc đường vận chuyển lại xuất hiện dịch vụ tắm lợn để xuất khẩu như ở nước ta. Nó mông muội quá, ngành sản xuất đó, cách xuất khẩu đó nó thô sơ quá. Chúng ta cần phải thay đổi. Vì vậy tôi rất mong, ở những vùng khác nhau có những cơ sở giết mổ tập trung. Rất đáng tiếc phương án này gần như rơi vào quên lãng. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân vì sao.

Phóng viên: Giữa lúc giá thịt lợn tăng cao gấp đôi như hiện nay, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng?

PGS-TS Phạm Tất Thắng: Theo tôi, người tiêu dùng cũng phải đóng góp cho việc giảm tải sự căng thẳng thiếu thịt lợn bằng cách chuyển sang ăn các thực phẩm khác. Và dần dần, chúng ta cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng. Đó là chuyển sang ăn thịt lạnh, thịt mát. Đây là vấn đề thói quen tiêu dùng và điều chỉnh tiêu dùng. 

Chúng ta chưa thích ứng lắm với hoàn cảnh cụ thể đang xảy ra. Gần đây, chúng ta đã có được bước tiến chuyển giết mổ nhỏ lẻ sang giết mổ ở những khu tập trung. Nhưng mà rồi cần phải tiến thêm một bước nữa, là những thịt đó phải đưa vào trong thị trường ở dạng thịt mát, thịt lạnh.

Ngay cả các mặt hàng nông sản khác chúng ta cũng có những sự thay đổi. Ví dụ sầu riêng chẳng hạn, bây giờ sầu riêng đông lạnh đang được ưa chuộng. Đó là các dấu hiệu tích cực báo hiệu đây là xu hướng tất yếu và cũng mong người tiêu dùng thích ứng được vấn đề này và góp phần chủ động hơn trong việc điều phối cung cầu trên thị trường, không chỉ riêng với thịt lợn mà nhiều mặt hàng nông sản khác.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.