Dịch vụ du lịch: Kiểm tra là thấy vi phạm!

Thứ Ba, 29/05/2018, 08:56
Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 11-4 đến 24-5, Thanh tra Sở đã tiến hành kiểm tra  5 doanh nghiệp với 15 địa điểm kinh doanh du lịch. Kết quả cho thấy cả 5 doanh nghiệp này đều có lỗi vi phạm, phải lập hồ sơ xử lý. 

Các lỗi vi phạm đều dừng ở hình thức xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt thông thường là 4 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, từ các vi phạm này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc mà vụ việc cung cấp dịch vụ du lịch kém chất lượng cho nhóm du khách Australia gây bức xúc dư luận, tạo nên hình ảnh xấu xí cho du lịch Việt những ngày qua là ví dụ điển hình.

Kết quả nói trên là một phần trong kế hoạch của Sở Du lịch Hà Nội trong công tác thanh tra năm 2018. Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, bảo đảm giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh, minh bạch và chấn chỉnh xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-SDL về việc kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch tại Hà Nội. 

Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng các vi phạm của cơ sở hoạt động dịch vụ du lịch sẽ khiến du lịch Việt “mất điểm” trong mắt du khách. Ảnh: minh họa.

Theo kế hoạch sẽ có 24 tổ chức, cá nhân tại 40 điểm kinh doanh bị kiểm tra trong đợt này. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh lữ hành, đại lý lữ hành, thực hiện giao dịch giữa các bên giao đại lý lữ hành và bên nhận đại lý lữ hành, việc sử dụng hình ảnh, logo, biển hiệu để quảng cáo, đăng tải trên các trang web, mạng Internet, vi phạm bản quyền tác giả.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc kiểm tra nêu trên sẽ góp phần kiểm soát tốt chất lượng dịch vụ du lịch, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi giả mạo thương hiệu, quảng cáo sai sự thật, lừa đảo khách du lịch. Nhưng, thực tế, đây lại là những nội dung có nhiều vi phạm nhất. 

Trong 5 cơ sở, 15 địa điểm kinh doanh du lịch kiểm tra vừa qua, các lỗi phổ biến gồm: Đại lý lữ hành không có hợp đồng đại lý lữ hành với bên giao đại lý lữ hành: Bên giao đại lý  lữ hành không có hợp đồng đại lý lữ hành với bên nhận đại lý lữ hành; không thông báo bằng văn bản về việc thành lập trực thuộc của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. 

Đây cũng là các lỗi mà cơ sở tổ chức bán tour cho nhóm du khách Australia có chất lượng khác xa quảng cáo dính mắc khiến việc xử lý trở nên phức tạp.

Theo tường trình của bà Đặng Thị Thanh Huyền với các cơ quan chức năng sau vụ tai tiếng nói trên thì nhóm du khách mua tour từ Văn phòng du lịch Spring Travel Agency của hộ kinh doanh Đặng Thị Thanh Huyền nhưng thực tế, văn phòng này chỉ là trung gian, tổ chức thu tiền, viết phiếu. 

Toàn bộ công việc còn lại thuộc về văn phòng ASC TRAVEL , địa chỉ 77 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội do một cá nhân khác mà bà Huyền chỉ biết tên là Chung kèm theo số điện thoại di động. 

Sau khi nhóm du khách phản ánh tình trạng dịch vụ tệ hại mà ông Chung cung cấp, cơ quan chức năng kiểm tra, bà Huyền mới biết, văn phòng ASC TRAVEL là “văn phòng ma”. Ngoài tên gọi, số điện thoại di động và tên gọi của văn phòng ASC TRAVEL mà ông Chung cung cấp, bà Huyền không biết thêm gì về ông Chung và văn phòng này. Thế nhưng, bà vẫn cung cấp tour cùng các cam kết chất lượng dịch vụ cho du khách dựa vào… các hình ảnh quảng cáo dịch vụ mà ông Chung cung cấp.

Sau khi thanh tra Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các Sở Du lịch Hải Phòng, Quảng Ninh trao đổi thông tin mới xác định được ông Chung chính là Nguyễn Thành Chung, thường trú ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. 

Ông Chung kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng không có giấy phép kinh doanh. Đến nay, vụ việc tạm khép lại với mức phạt hành chính 8 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Đặng Thị Thanh Huyền. Trường hợp của Nguyễn Thành Chung cũng đã bị lập biên bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định xử phạt hành chính.

Rõ ràng, mức phạt phổ biến vài triệu đồng như hiện nay chưa đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cố tình vi phạm các quy định pháp luật. 

Trong khi đó, hệ lụy mà các hành vi vi phạm này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của du lịch Việt Nam. 

Để bảo đảm giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh, minh bạch và chấn chỉnh xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, không chỉ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên từng địa bàn mà còn cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa nhiều địa phương, ban, ngành, nhiều cấp quản lý.

N.Hoa
.
.
.