Tìm hướng đi cho tài chính tiêu dùng thời "hậu COVID-19"

Thứ Năm, 21/05/2020, 15:38
Mô hình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 có nhiều thay đổi, phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn, bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng mang chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng”, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Nhà nước và nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính hàng đầu Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội Việt Nam. Mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài; đồng thời phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.

“Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng”, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quốc Phương, tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn, bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%.

Các đại biểu dự buổi tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, để tái khởi động nền kinh tế, thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển, cần khẩn trương chi hỗ trợ 62 nghìn tỷ cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16 ngàn tỷ đồng 0% lãi suất từ VBSP đối với doanh nghiệp để trả lương.

Bên cạnh đó, cần kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ chi tiêu công 700 nghìn tỷ đồng (nút thắt chính là thủ tục hành chính); cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia.

Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động là yêu cầu ko thể thiếu; công bố điểm tín dụng cá nhân cho bản thân họ; tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay không vay bằng mọi giá; chấn chỉnh hoạt động cho vay cầm đồ; xử lý tôi cho vay nặng lãi...

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến khẳng định, với riêng thị trường tín dụng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng, cũng giống như các lĩnh vực kinh doanh khác đang được kỳ vọng phục hồi trở lại mạnh mẽ sau thời gian cách ly xã hội. 

Nhưng đặc biệt hơn, ngành tài chính tiêu dùng còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cùng với các giải pháp tài chính khác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những cá nhân khó khăn về tài chính ngắn hạn, và giúp tăng sức cầu của nền kinh tế.

An Nhiên
.
.
.