Đeo vòng truy xuất nguồn gốc lợn thịt: Cần thực hiện đồng bộ, triệt để

Thứ Sáu, 13/10/2017, 09:48
Sau vụ phát hiện hơn 4 ngàn con lợn bị tiêm thuốc an thần, TP Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện quy định bắt buộc lợn đưa vào chợ đầu mối phải đeo vòng để truy xuất nguồn gốc từ ngày 16-10.

Trước đó, thành phố cũng đã một lần đưa ra thời hạn áp dụng truy xuất nguồn gốc lợn thịt, nhưng việc này đã không được thực hiện triệt để do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau quyết định của thành phố, việc đeo vòng truy suất nguồn gốc lợn thịt được các cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai đăng ký tham gia tăng nhanh so với trước. Tuy vậy vẫn có cơ sở chưa mặn mà với việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, trong hơn 1 tháng, tổng số lợn được đeo vòng truy xuất nguồn gốc cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh đã đạt trên 120 ngàn con từ 120 trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi.

Người chăn nuôi nghe phổ biến việc truy xuất nguồn gốc lợn thịt.  

Ông Nguyễn Văn Ba, chủ trại nuôi lợn tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất cho rằng, ban đầu ông cũng hưởng ứng chương trình, tự bỏ tiền mua vòng về đeo khi xuất lợn đi TP Hồ Chí Minh. Nhưng khi giá lợn hơi giảm xuống đáy, chi phí mua vòng đeo cũng là gánh nặng một phần và ông thấy không còn mặn mà. Đây cũng là tâm trạng của nhiều chủ trang trại tại cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại Đồng Nai hiện nay.

Bà Bùi Thị Thảo, một hộ chăn nuôi lợn tại huyện Trảng Bom cho biết, việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc lợn khó có thể thực hiện được đồng loạt bởi hiện nay tâm lý người nuôi không chỉ phục vụ cho thị trường thành phố mà chủ yếu là để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, so với các doanh nghiệp, trang trại lớn, người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ không mặn mà tham gia vào các chuỗi này. Tâm lý chủ yếu của người chăn nuôi vẫn không muốn bị kiểm soát, chỉ khi nào bị bắt buộc sẽ làm.

Cũng theo ông Đoán, tuy hiện nay lợn không đeo vòng truy xuất vẫn tiêu thụ được tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận nhưng số lượng chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với tổng số tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh.

Tuy các thị trường khác cũng đang tăng cường kiểm soát chất lượng nguồn gốc thịt nhưng chưa đòi hỏi khắt khe việc đeo vòng truy xuất cho lợn thịt. Chỉ có điều, thương lái từ các tỉnh, thành khác về mua lợn thường phải thông qua thêm một khâu trung gian là thương lái tại địa phương nên chi phí cũng đội lên khá cao.

Ông Đặng Bá Dương, một thương lái thu mua lợn tại địa bàn huyện Thống Nhất cho biết, trước đây ông mua lợn từ các trại bên ngoài nhưng thời gian gần đây ông chuyển sang mua  của doanh nghiệp. Tuy giá lợn của công ty thường cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường nhưng lại rất dễ dàng trong việc thực hiện các thủ tục đưa lợn vào TP Hồ Chí Minh do việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn đều được các công ty thực hiện đầy đủ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc thịt lợn được cho là giải pháp căn cơ và thiết thực cho vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay. Song có thể thấy rằng việc truy xuất nguồn gốc lợn thịt bằng cách đeo vòng cho lợn tại Đồng Nai vẫn chưa thể thực hiện triệt để do còn có các thị trường khác không yêu cầu.

Bảo Sơn
.
.
.