Để rau quả nội không bị lấn lướt

Thứ Bảy, 07/01/2017, 13:31
Càng về cuối năm, giáp Tết Nguyên đán, rau quả Trung Quốc lại ồ ạt tràn vào thị trường trong nước với số lượng lớn gấp 5-6 lần bình thường. Ngay cả trong điều kiện thời tiết năm nay khá thuận lợi cho các loại rau phát triển, rau quả Trung Quốc vẫn tiếp tục “lấn sân” tại các chợ đầu mối.

Nhộn nhịp từ nửa đêm đến sáng, các chợ đầu mối lớn của Hà Nội như Long Biên, Dịch Vọng Hậu, Văn Quán… tràn ngập các loại rau quả Trung Quốc, từ bắp cải, củ cải, hành, tỏi, cà rốt, táo, lê, bưởi, cam, quýt… Từ đây, hàng chục tấn hoa quả, rau củ được chuyển tới các chợ bán lẻ và các tỉnh, thành lân cận. 

Có rất nhiều loại hoa quả tuy có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trước tâm lý e dè của người tiêu dùng, người kinh doanh đã tự gán cho chúng các mác hoa quả nội địa như cam sành Hà Giang, Hàm Yên (Tuyên Quang).

Từ chợ đầu mối, các thùng đựng hoa quả có in chữ Trung Quốc được xé bỏ, nhãn mác dán trên các túi hoa quả cũng được gỡ ra và về đến các cửa hàng, chợ bán lẻ, nhiều loại hoa quả đã được biến đổi nguồn gốc thành trồng ở trong nước.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khai báo của các doanh nghiệp nhập khẩu với Hải quan, giá cam Trung Quốc và nhiều loại nông sản khác siêu rẻ. Đơn cử khoai tây Trung Quốc nhập vào Việt Nam có giá khai báo chỉ 4.000 đồng/kg, hành tây 2.800 đồng/kg; cam có giá bình quân 3.700 đồng/kg, táo 2.900 đồng/kg, nho có giá nhập cao nhất cũng chỉ 10.000 đồng/kg.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hoa quả và rau củ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam ngày một tăng. Ước tính sơ bộ, mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 4.000 tỷ đồng để nhập hàng trăm nghìn tấn hành, bắp cải, táo, cam, nho... từ Trung Quốc. Đứng đầu trong danh sách nhập khẩu là hành tây, khoai tây, cà rốt, củ cải... 

Không chỉ rau củ, Tổng cục Hải quan nêu trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập tới 63.000 tấn táo, 19.600 tấn cam và hơn 15.000 tấn nho từ Trung Quốc, và chu kỳ những tháng cuối năm, số lượng nhập khẩu còn tiếp tục gia tăng.

 Tại sao nguồn cung trong nước dồi dào, giá rẻ, nhưng rau quả trong nước vẫn bị “lép vế” trước nông sản Trung Quốc? Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam: “Có 2 vấn đề. Thứ nhất là ý thức của thương nhân, thấy rẻ là mua vào, “bất cần” xuất xứ. Thứ hai là về quản lý Nhà nước chưa có chế tài kiểm soát chặt chẽ. Nếu nhập rau quả Trung Quốc chính ngạch thì có kiểm soát, nhưng nhập đường tiểu ngạch thì không kiểm soát được chất lượng, số lượng. Như vậy là do lỗi quản lý”.

Ngoài ra, theo GS.VS Trần Đình Long, giữa người nông dân – đại diện cho khâu sản xuất và khâu phân phối chưa “ngồi lại” với nhau để kết nối thành chuỗi, từ đó quản lý về chất lượng và số lượng vẫn còn chưa thống nhất và hiệu quả.

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, rau là mặt hàng dễ hỏng, chi phí vận chuyển khá lớn. 

“Việc vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam rất tiện, trong khi giá lại rẻ nên dễ hiểu là nông sản Trung Quốc có mặt ở khắp các ngõ ngách tại thị trường Việt Nam. Câu chuyện ở đây là việc điều phối giữa các vùng với nhau và hệ thống buôn bán, vận chuyển phải xem xét lại. Ngành Công Thương phải vào cuộc cùng Bộ NN&PTNT điều tiết thị trường.

Chi Linh
.
.
.