Đề án xuất khẩu 57.000 lao động kỹ thuật cao đang gặp khó?

Thứ Năm, 06/07/2017, 09:35
Dự thảo đề án của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa 57.000 lao động qua đào tạo đi xuất khẩu lao động đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Cùng với việc sẽ tạo ra việc làm cũng như thu nhập ổn định cho lao động kỹ thuật cao thì dự án này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đã tham mưu báo cáo Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Hiện dự thảo đề án đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ sở để trình đề án này là do hằng năm Việt Nam đưa khoảng hơn 100.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó gần 50% là lao động được đào tạo sơ cấp, bổ túc tay nghề chứ không phải là lao động có trình độ tay nghề cao. Bên cạnh đó, yêu cầu về lao động kỹ thuật cao cũng được các nước chú trọng. Vì vậy, phải nâng cao tỉ trọng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây chính là lực lượng lao động chính đóng góp sự phát triển nền kinh tế Việt Nam sau khi hoàn thành công việc ở nước ngoài.  

Xuất khẩu lao động kỹ thuật cao sẽ đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế . Ảnh : CTV.

Được biết, tên dự thảo Đề án là: “Đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay tới năm 2020 và định hướng tới năm 2025”. Điều này có nghĩa là nhiều cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ đi làm việc ở nước ngoài sẽ được mở ra, chứ không đơn thuần là hướng tới cử nhân hay kỹ sư thất nghiệp. Căn cứ của Đề án dựa trên sự hợp tác có sẵn, phía Việt Nam sẽ xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp. 

Theo đó, có 3 nhóm đối tượng được thụ hưởng bao gồm: Các doanh nghiệp tham gia đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật; Những trường nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo những ngành cung cấp được tham gia đề án có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi và nhập các mô đun đào tạo nghề phù hợp; Người lao động tham gia chương trình. 

Dự thảo xây dựng chương trình theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2018 tới năm 2020, dự kiến đưa khoảng hơn 17.000 lao động qua đào tạo đi làm việc ở một số thị trường lao động có mức thu nhập và công nghệ tiên tiến. Trong đó, dự kiến đưa 14.700 lao động đi Đức trong các ngành điều dưỡng, hộ lý, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học và đưa 1.500 lao động là điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh; kỹ sư công nghệ thông tin và cơ khí sang Nhật Bản; đưa 1.800 lao động là kỹ sư các ngành cơ khí, hàn, đầu bếp, công nghệ thông tin và điện tử và 150 người nhóm nghề dịch vụ gồm đầu bếp, khách sạn nhà hàng sang Hàn Quốc. 

Trước mắt lấy 10 tỉnh làm điểm, thực hiện thống kê lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phân theo ngành nghề, lĩnh vực đào tạo để hoạch định chính sách.

Sang giai đoạn 2, từ năm 2021 - 2025, dự kiến tổng số lao động được đưa là hơn 39.000 người. Để đảm bảo nguồn cung lao động trong nước, đề án đề xuất thống kê chính thức số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phân theo ngành nghề, lĩnh vực đào tạo trên phạm vi 10 tỉnh có số lao động xuất khẩu lớn để hoạch định chính sách. 

Thị trường Nhật Bản bổ sung thêm ngành kỹ sư công nghệ thông tin, sinh học; Đức là cơ khí chính xác như tiện phay, bào CNC, hàn trình độ cao; Hàn Quốc thêm công nghệ thông tin, thuyền viên hàng hải. Ngoài ra, mở rộng thêm các thị trường như ASEAN, UAE ở các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phục vụ khách sạn - nhà hàng, cơ khí, xây dựng.

Tổng kinh phí của 2 giai đoạn là 1.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này không phải hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà còn là nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), kinh phí phát triển thị trường từ Quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước… Trong phương án này, ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các chính sách và cơ chế, còn việc người lao động tham gia xuất khẩu lao động sẽ vay từ nguồn của VDB. Đồng thời, doanh nghiệp và trường nghề muốn đầu tư cơ sở vật chất để tham gia đề án cũng sẽ vay từ nguồn này chứ không lấy từ nguồn kinh phí Nhà nước....

Đề án nếu được thực hiện sẽ tạo ra niềm vui cho đông lao động có trình độ kỹ thuật cao. Tuy nhiên đề án cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đi vào thực hiện. TS Hoàng Ngọc Tiến, chuyên gia về kinh tế cho rằng, muốn đưa các lao động sang nước ngoài, trước hết sẽ phải đàm phán cụ thể với từng quốc gia tiếp nhận lao động. Hiện nay, có rất nhiều nước đang thực sự cần tiếp nhận lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật. 

Cần tìm hiểu cặn kẽ chính sách về lao động của nước ngoài.

Thế nhưng, chúng ta cũng chưa biết được họ cần tuyển như thế nào và chính sách của họ ra sao. Tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta tìm hiểu cặn kẽ về các chính sách của họ và sau đó là đàm phán. Rồi các ngành nghề của chúng ta đào tạo liệu có phù hợp với xu thế chung của thế giới hay không. Đối với những nghề mà nước ta đào tạo chưa phù hợp với chuẩn nghề quốc tế thì chúng ta phải bàn kỹ để đưa ra thống nhất để có sự công nhận bằng cấp và có thể phải tiếp nhận cả những mô đun, nội dung đào tạo của họ về để giảng dạy cho phù hợp. Khâu cuối cùng quan trọng nhất đó là phải đánh giá lại cho đúng với thực lực của trình độ lao động trong nước. 

Tìm hiểu kỹ về những nhóm ngành nghề nào mà tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp cao. Liệu những ngành nghề ấy có phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các quốc gia khác hay không. Được biết, về cơ bản, dự thảo đã được các bộ, ngành liên quan cho ý kiến. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tập hợp các ý kiến và dự kiến sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trong tháng 7 này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại nước ngoài, hàng năm gửi về từ 1,7 đến 2 tỷ USD. Tuy nhiên nước ta vẫn đang phải đối mặt với thực trạng thất nghiệp cao. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong quý 1-2017, số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên là 138.800 người, trình độ cao đẳng là 104.200 người, trình độ trung cấp là 83.200 người.
Hải Âu
.
.
.