Đẩy mạnh bán vải thiều online tại thị trường nội địa

Thứ Ba, 25/05/2021, 16:19
Ngày 25/5, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để bàn về giải pháp góp phần cùng Bắc Giang tiêu thụ các nông sản tới vụ, giải pháp để chống đứt gãy chuỗi cung ứng các sản phẩm thiết yếu, chống đứt gãy chuỗi sản xuất.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong muốn được tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh, dự kiến khoảng 60% vải thiều được tiêu thụ trong nước; Đồng thời, được hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2021, Vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động COVID-19;

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, trong thời điểm này, với tiêu thụ nông sản, cần đẩy mạnh thương mại điện tử. 

Về xuất khẩu vải thiều, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng, Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, Bắc Giang chiếm tới 80% sản lượng vải của cả nước và Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính. Vì vậy, Bắc Giang cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua Zalo… hướng dẫn đối với người tiêu dùng; bao gói quy chuẩn, bên cạnh đảm bảo vùng trồng không COVID-19 nhưng cần theo dõi tâm lý người tiêu dùng và kịp thời thực hiện các biện pháp truyền thông.

trong tình hình hiện nay Bắc Giang cần đảm bảo quy trình 4 bước cho quả vải xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trong tình hình hiện nay Bắc Giang cần đảm bảo quy trình 4 bước cho quả vải xuất khẩu. Theo đó, Bắc Giang sớm liên hệ với Bộ Y tế để xác nhận quả vải an toàn. Quy cách sản phẩm, số lượng, chất lượng – đề nghị giao cho Sở Công Thương và sở NN&PTNT. “Chúng tôi kêu gọi không chỉ riêng Bắc Giang mà đối với tất cả các địa phương là chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch – Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các thương nhân cũng cần bàn nhau để chia sẻ chi phí để đi chính ngạch. Lưu chuyển, nếu có vấn đề cần liên hệ ngay với Bộ Công Thương để tạo thuận lợi nhất cho Bắc Giang”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ phối hợp cùng Bắc Giang triển khai tốt 3 nội dung quan trọng: đảm bảo môi trường sản xuất an toàn trong các KCN, doanh nghiệp; tiêu thụ nông sản và khôi phục chuỗi cung ứng. Riêng đối với trái vải thiều, cần nâng cao tỷ lệ vải thiều tiêu thụ trong nước, đồng thời, xuất khẩu duy trì như các năm, phương châm giá thành không thay đổi. Chi phí có thể chia sẻ với đối tác để giữ thương hiệu và giữ thị trường. Chúng ta không dùng “giải cứu” mà là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu này.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, tính đến 16h ngày 23/5, Bắc Giang đã thu hoạch được gần 2.100 tấn vải chín sớm.  Toàn tỉnh đã xuất khẩu sang Trung Quốc 1.100 tấn vải thiều qua 2 cửa khẩu tại Lào Cai và Lạng Sơn. Đồng thời, tỉnh cũng đang xúc tiến làm thủ tục xuất khẩu sang các nước như Anh, Australia, Singapore, Nhật Bản…

Ngoài lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc, đối với vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, bà con đang thu hái để đưa về cơ sở xông hơi, khử trùng ở Lục Ngạn, thực hiện quy trình dưới sự giám sát của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), sẽ xuất sang Nhật Bản vào ngày 26/5.

Lưu Hiệp
.
.
.