Đầu năm khan hiếm lao động biển

Thứ Năm, 21/02/2019, 11:09
Sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm ngư dân tất bật chuẩn bị cho phiên biển đầu năm, thế nhưng, nhiều tàu cá tại tỉnh Quảng Ngãi lại không thể ra khơi vì chủ tàu không tìm được “bạn thuyền”. Thậm chí, có tàu phải nằm bờ gần cả năm nay vì tình trạng khan hiếm lao động đi biển...

Thực trạng khan hiếm lao động biển xảy ra nhiều năm nay khiến cho không ít chủ tàu khổ sở và lo lắng. Tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), mặc dù đang là thời điểm ra khơi đầu năm nhưng nhiều tàu cá vẫn phải “nằm bờ, chờ bạn”... Ông Dương Văn Nam (57 tuổi, trú tại thôn Định Tân, xã Bình Châu), chủ tàu cá QNg 90104TS cho biết, tàu của ông đã phải nằm bờ từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tới nay vẫn chưa thể ra khơi vì không có “bạn thuyền”.

Năm trước, cũng vì muốn giữ chân “bạn thuyền”, ông đã cho họ tạm ứng trước hơn trăm triệu đồng về quê ăn Tết, hứa ra Tết sẽ quay lại nhưng rồi mất hút. Vậy nên năm nay, vì lo sợ lặp lại tình trạng đó nên ông Nam không dám cho “bạn thuyền” mượn tiền nữa.

Nhiều tàu cá tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu vẫn phải nằm bờ vì thiếu lao động.

“Mình không cho họ ứng tiền thì phải chấp nhận việc họ sẽ không quay lại làm cùng mình nữa. Thêm việc mấy năm nay lao động biển khan hiếm trầm trọng, lớp già, có kinh nghiệm và gắn bó lâu năm thì lại không đủ sức đi những chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày. Trong khi đó, lớp trẻ, có sức khỏe thì lại không mấy mặn mà với nghề biển. Vậy nên nguồn lao động ngày càng hiếm. Tìm không ra “bạn thuyền” thì đành chấp nhận để tàu nằm bờ thôi...”, ông Nam tâm sự.

Nhiều chủ tàu ở Bình Châu cho biết, việc bị “bạn thuyền” hứa hẹn rồi quỵt tiền diễn ra thường xuyên, khiến cho các chủ tàu luôn trong tâm lý bất an, không dám thuê “bạn thuyền” ở các vùng khác, mà chủ yếu tìm người trong địa phương hoặc anh em, họ hàng. Thậm chí, nhiều chủ tàu đành chấp nhận ra khơi dù không đủ “bạn thuyền”.

Cũng theo lời ông Nam, sắp tới ông chuẩn bị có một chuyến ra khơi. Hiện tại mới chỉ tìm được 4 lao động, trong khi mỗi chuyến đi cần ít nhất 8 lao động. Vì không thể tiếp tục để tàu nằm bờ, hơn nữa nguồn thu của cả gia đình đều trông chờ vào những chuyến ra khơi, nên dù không đủ “bạn thuyền”, ông Nam vẫn quyết định nhổ neo.

Bà Nguyễn Thị Diệp (50 tuổi, trú tại thôn Định Tân, xã Bình Châu), có tàu QNg 90161TS hành nghề lưới rê cũng đang phải nằm bờ vì thiếu “bạn thuyền”. Theo bà Diệp, tàu cá của vợ chồng bà vừa có chuyến ra khơi xuyên Tết và đang  nằm bờ chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào khoảng ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, chuyến đi lần này chưa tìm đủ lao động trên thuyền, vì một số “bạn thuyền” trước đó xin nghỉ. Mặc dù gia đình bà không thể tìm được “bạn thuyền” thay thế nhưng dự kiến sẽ chấp nhận ra khơi trong tình trạng thiếu người.

“Việc thiếu lao động đi biển thì năm nào cũng có, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán. Các năm trước, do thiếu quá nhiều nên gia đình tôi phải ra các xã khác, thậm chí là tỉnh khác để thuê lao động. Lúc đầu họ nhận lời rồi yêu cầu được ứng trước một khoản tiền mười mấy triệu đồng. Nhưng sau đó đến ngày tàu xuất bến lại không thấy họ đến, gọi điện thoại thì không liên lạc được. Có năm gia đình tôi mất trắng hơn trăm triệu đồng vì tình trạng này. Nên bây giờ thiếu “bạn thuyền” cũng không dám tìm người ngoài nữa, mà thuê anh em, bà con”, bà Diệp bức xúc.

Một số chủ tàu lý giải, tình trạng khan hiếm lao động ngày càng trầm trọng một phần vì những năm gần đây, các lao động ở địa phương có sức khỏe, lành nghề lần lượt đi xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... ngày một nhiều hơn, số người ở lại bám biển còn quá ít và lại không mấy mặn mà với nghề.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, nhiều năm nay địa phương thường xuyên diễn ra tình trạng thiếu lao động đi biển. Nếu như mấy năm trước, khi không kiếm đủ “bạn thuyền”, nhiều chủ tàu không thể ra khơi mà chấp nhận cho tàu nằm bờ thì năm nay, đa số tàu cá vẫn sẽ ra khơi dù không đủ “bạn thuyền”.

Tuy nhiên, năm nay nhiều tàu cá xuất bến chậm hơn vì nán lại để tìm lao động, trường hợp không thể tìm ra thì mới chấp nhận ra khơi. “Ra khơi trong tình trạng thiếu lao động sẽ dẫn đến việc giảm hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, may mắn là đầu năm nay ngư dân được mùa nên các tàu cá ra khơi đánh bắt trở về vẫn có lãi”, ông Hùng nói.

Linh Nguyễn
.
.
.