Đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho xuất nhập khẩu

Thứ Ba, 04/08/2020, 08:37
Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã có giai đoạn triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng chống dịch COVID-19.

Để nắm bắt kịp thời các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp (DN), Tổng cục Hải quan đã tổ chức các cuộc họp và họp trực tuyến với một số hiệp hội DN, DN ưu tiên, DN FDI và chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hằng ngày báo cáo tình hình, những vướng mắc phát sinh. Từ đó có phương án xử lý đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có các sân bay quốc tế tạo thuận lợi về thủ tục khách xuất nhập cảnh, phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố giải tỏa nhanh hành khách, một mặt vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, một mặt vẫn tuân thủ pháp luật hải quan. 

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tổ chức các cuộc hội đàm song phương với cơ quan chức năng của nước bạn để một mặt tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, nhưng vẫn kiểm soát, hạn chế được việc lây lan của dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt của phía Trung Quốc để giải tỏa ách tắc tại các khu vực cửa khẩu, thúc đẩy hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc. 

Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Qua đó, một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho DN trên cơ sở các văn bản của Tổng cục cũng như tình hình thực tế, cụ thể:

Tại Lào Cai, để đảm bảo giải phóng thông quan nhanh hàng hóa, đơn vị đã triển khai giải pháp hỗ trợ kiểm soát phương tiện qua lại thông qua việc thành lập đội xe trung chuyển hàng hóa từ khu vực cửa khẩu về các địa điểm kiểm tra để tránh ảnh hưởng đội ngũ lái xe phải áp dụng chính sách cách ly 14 ngày với người xuất nhập cảnh. Hải quan cho phép hàng hóa siêu trường, siêu trọng trên phương tiện vận tải được đi sâu vào nội địa để giao hàng và quay trở lại.

Tại Lạng Sơn nơi diễn ra việc ùn tắc hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, cũng như nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất do các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh mà hai nước áp dụng trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Cục Hải quan Lạng Sơn tăng giờ làm việc, đẩy nhanh thời gian thông quan, điều tiết lượng xe hàng qua cửa khẩu phù hợp với năng lực bốc xếp hàng hóa để tránh hàng hóa phải lưu bãi lâu tại bãi hàng của phía Trung Quốc.

Phối hợp với các lực lượng của địa phương trong hội đàm với phía Trung Quốc để mở lại hoạt động của các cửa khẩu, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, cũng như tăng năng lực thông quan tại khu vực kho bãi tại cửa khẩu.

Để giúp DN giảm bớt khó khăn và tập trung vào sản xuất kinh doanh, ngành Hải quan đã triển khai thực hiện giãn, giảm kiểm tra trong năm 2020. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc trong toàn Ngành dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, chỉ thực hiện tập trung vào trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Gỡ vướng trong sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài

Nhận được một số phản ánh của DN nêu khó khăn liên quan đến sử dụng mã vạch gắn trên hàng hóa xuất khẩu, ngành hải quan hướng dẫn: Khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, công chức hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa, bao bì sản phẩm xuất khẩu.

Về việc ủy quyền sử dụng mã nước ngoài, bằng chứng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng bao gồm một trong các hình thức sau: Văn bản ủy quyền, thư ủy quyền hoặc hợp đồng gia công hoặc thư điện tử ủy quyền hoặc các hình thức ủy quyền khác được quốc tế công nhận, có ký tên và đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp xuất khẩu và DN chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các tài liệu cung cấp.

Cơ quan Hải quan không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra các vụ án phát hiện DN xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài thì có văn bản thông báo cụ thể cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng biết để xử lý theo quy định.

Đối với khó khăn của DN trong vấn đề nộp bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27-5-2020, trong đó có một số giải pháp tháo gỡ như: Gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cụ thể là DN được nộp C/O trong thời gian hiệu lực của C/O là 1 năm kể từ ngày cấp (quy định trước là 30 ngày). Chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản scan C/O để nộp cơ quan hải quan (trước đây quy định là bản gốc).

Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1-7 đến ngày 31-7-2020 đạt 25.010 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 31-7-2020 đạt 174.603 tỷ đồng, bằng 51,7% dự toán, bằng 49,2% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 15,48% so với cùng kỳ năm trước (206.586 tỷ đồng).
Lưu Hiệp
.
.
.